Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc chiếm được cảm tình của hàng triệu người tiêu dùng khắp thế giới, song lại vắng mặt tại một thị trường lớn: Mỹ.
Nguyên nhân một phần đến từ chính sách áp thuế lên ô tô nhập khẩu đại lục cũng như từ chối cấp tín dụng - thứ vốn có thể giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm hàng ngàn USD. Điều này khiến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc gần như không thể cạnh tranh với những chiếc xe được sản xuất tại Mỹ hoặc nhập khẩu từ các quốc gia thân thiện.
“Trung Quốc thống trị thị trường xe điện bằng cách sử dụng các hoạt động thương mại chưa thực sự công bằng. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.
Trung Quốc đang trên đường trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong năm nay, tức thế chân Nhật Bản. Nước này sản xuất khoảng 2/3 tổng lượng xe điện trên toàn cầu, trong đó, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD đã sản xuất 1,9 triệu xe vào năm ngoái, nhiều hơn cả Tesla.
“Hãy tưởng tượng một Godzilla thời hiện đại với sức mạnh có thể phá hủy bất cứ thứ gì cản đường”, Michael Dunne, giám đốc điều hành của ZoZo Go, một công ty tư vấn chuyên về ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc, nói khi nhận định về thị trường xe điện đại lục.
Một số nhà hoạch định chính sách Mỹ đang kêu gọi chính quyền ông Joe Biden xem xét mở rộng thêm thuế quan đối với ô tô Trung Quốc. Bản thân họ cũng đã học được nhiều bài học từ sự trỗi dậy quá mạnh mẽ trong ngành công nghiệp pin mặt trời và thép.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Trung Quốc đã xây dựng được chuỗi cung ứng thống trị thị trường pin xe điện cũng như các khoáng chất dùng để sản xuất chúng. Các nhà sản xuất ô tô Mỹ chắc chắn sẽ phải dựa vào những nguồn cung này nếu muốn tăng cường sản xuất xe điện đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải carbon. John Bozzella, người đứng đầu Liên minh Đổi mới Ô tô, cho biết: “Trung Quốc đã có khởi đầu từ 10 đến 15 năm trước trong ngành công nghiệp xe điện”.
Mẫu SUV Atto 3 nổi tiếng của BYD, mẫu xe bán chạy nhất toàn cầu đi kèm hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến và ghế sưởi, được chào bán với giá 39.500 euro, tương đương khoảng 43.000 USD. Trong khi đó, theo Cox Automotive, tại Mỹ, giá bán xe điện trung bình là 53.469 USD trong tháng 7.
EU cho đến nay vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu 10%. Vào tháng 10, khối này tiến hành một cuộc điều tra về việc có nên tăng thuế hay không sau cáo buộc cho rằng xe Trung Quốc thường được bán với giá thấp hơn 20% so với các mẫu xe sản xuất tại EU do nhận được trợ cấp ‘khủng’ từ chính phủ. EU cho biết thị phần của mình gần đây đã tăng từ 1% lên 8% và có thể tăng lên 25% vào năm 2025.
Được biết, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chuẩn bị lắp ráp xe điện trong hoặc gần Mỹ để tránh thuế quan. Polarstar, thương hiệu xe điện hạng sang thuộc sở hữu của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely, đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất tại Nam Carolina vào năm tới. Chery đang xây dựng một nhà máy ở Mexico trong khi BYD và MG thuộc sở hữu của SAIC tăng cường hiện diện tại Mỹ.
Các nhà phân tích dự đoán nỗ lực xuất khẩu của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ được đền đáp bởi họ đã xây dựng thành công tiềm năng sản xuất xe và pin khổng lồ, hơn nữa lại có thể đáp ứng nhu cầu trong nước với 26 triệu xe mỗi năm. Tuy nhiên, thế giới có thể hấp thụ hết lượng xe này hay không, đến nay, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Theo: WSJ
Vũ Anh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vi-sao-nguoi-my-khong-the-mua-xe-dien-trung-quoc-gia-re-2056082.htm