Ba năm trước, một doanh nhân tỷ phú tên Jared Isaacman đã thực hiện hành trình mang tính đột phá vào không gian: Inspiration 4. Đó là chuyến bay đầu tiên không có sự tham gia của các phi hành gia chuyên nghiệp.
Tuần tới, ông Isaacman, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Shift4, tiếp tục viết tiếp ước mơ bay vào không gian của mình. Lần này hành trình sẽ dài hơn, táo bạo hơn và mạo hiểm hơn - lần đầu tiên do các phi hành gia tư nhân thực hiện.
Nhiệm vụ mang tên Polaris Dawn này gợi nhớ đến kỷ nguyên đầu tiên của du hành vũ trụ những năm 1960, khi những người tiên phong như Yuri Gagarin của Liên Xô và John Glenn của NASA xóa đi ranh giới không gian vốn có để tìm ra cách sinh tồn trong môi trường không trọng lượng. Tuy nhiên, không giống như những chuyến thám hiểm do cơ quan vũ trụ quốc gia thực hiện, đây là một nỗ lực hoàn toàn mang tính thương mại.
Đối với Polaris Dawn, ông Isaacman hợp tác chặt chẽ với Elon Musk và công ty tên lửa SpaceX, đặt nền móng cho giấc mơ về một ngày nào đó đưa con người lên sao Hỏa.
“Luôn có một phép tính rủi ro đối với nó”, ông Isaacman nói trong một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu. “Nhưng trọng tâm thực sự là những gì chúng ta có thể đạt được và học hỏi”.
Hầu hết sứ mệnh du hành vũ trụ ngày nay đều bị cho là nhàm chán và đơn điệu, về cơ bản chỉ là những chuyến “taxi” đưa người đến và đi từ một trạm vũ trụ quay quanh quỹ đạo. Nhiệm vụ Polaris Dawn không phải là đến trạm vũ trụ. Nó sẽ đi xa hơn bất kỳ hành trình nào kể từ Apollo 17 - nhiệm vụ đưa người đặt chân lên Mặt trăng mà NASA thực hiện.
“Đã đến lúc khám phá”, William Gerstenmaier, cựu quan chức NASA hiện là phó chủ tịch phụ trách xây dựng và độ an toàn bay tại SpaceX, cho biết.
Một tên lửa SpaceX Falcon 9 sẽ phóng tàu vũ trụ Crew Dragon vào quỹ đạo hình elip, quay xa hơn nhiều so với Trái đất. Một số công nghệ mới sẽ được thử nghiệm. Dữ liệu về tác động của chúng lên cơ thể con người cũng sẽ được thu thập.
“Đây là một sứ mệnh đặt ra để hoàn thành nhiều mục tiêu trong một thời gian rất ngắn”, ông Isaacman cho biết. “Chúng tôi có một số mục tiêu khá tham vọng”.
Đối với chuyến bay này, SpaceX đã phát triển một bộ đồ phi hành gia mới để sử dụng khi đi bộ ngoài không gian. Polaris Dawn dự kiến sẽ cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA vào sáng sớm thứ Ba, theo The New York Times.
Polaris Dawn và 2 nhiệm vụ tiếp theo, theo lời ông Isaacman, là nỗ lực chung giữa ông và SpaceX. Ông Isaacman từ chối tiết lộ khoản tiền đã chi.
“Chúng tôi không bao giờ đề cập đến chi phí”, ông nói. “Tôi chỉ muốn nói rằng có rất nhiều đóng góp đến từ SpaceX và bản thân tôi”.
Có 2 thành viên phi hành đoàn Polaris Dawn là nhân viên của SpaceX: Anna Menon, kỹ sư trưởng phụ trách hoạt động vũ trụ và Sarah Gillis, giám sát viên của chương trình đào tạo phi hành gia. Hai thành viên phi hành đoàn còn lại là ông Isaacman và Scott Poteet, một phi công Không quân Mỹ đã nghỉ hưu.
Điểm nhấn của cuộc hành trình nằm ở nỗ lực đi bộ ngoài không gian. Trong suốt 2 giờ hoạt động, các phi hành gia sẽ mặc bộ đồ vũ trụ trước khi xả hết không khí ra khỏi Crew Dragon. Hai thành viên phi hành đoàn - ông Isaacman và bà Gillis - sau đó sẽ di chuyển ra ngoài tàu vũ trụ để tiến hành thử nghiệm bộ đồ phi hành gia.
Trước đó, các nhiệm vụ đi vào không gian của ông Isaacman được kỳ vọng sẽ diễn ra vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, mục tiêu trên đã bị trì hoãn nhiều lần để các kỹ sư SpaceX nghiên cứu phương thức an toàn nhất có thể.
Ông Isaacman cho biết ông và bà Gillis đã đến cơ sở thử nghiệm của NASA tại White Sands, NM, nhiều lần để quan sát cách các vật thể nhỏ bắn vào bộ đồ phi hành gia. Ngoài ra, để đảm bảo chuyến đi bộ ngoài không gian diễn ra suôn sẻ, toàn bộ khoang tàu Crew Dragon được đặt trong một buồng chân không lớn đã mô phỏng quá trình xả khí sắp được thực hiện.
Các thành viên phi hành đoàn thừa nhận rằng rủi ro vẫn còn, song họ và 14.000 nhân viên SpaceX đã làm mọi thứ có thể để xử lý tất cả. “Lần đầu tiên chúng tôi vào máy mô phỏng và phải làm việc theo nhóm. Mọi chuyện diễn ra vô cùng tệ hại. Chúng tôi phải học rất nhiều. Một trong những phần tôi thích nhất trong hành trình này là tìm ra cách kết hợp đa kỹ năng để xây dựng một đội”.
Theo The New York Times, phi hành đoàn sẽ tiến hành khoảng 40 thí nghiệm, trong đó có chụp ảnh cộng hưởng từ não các phi hành gia. Ông Poteet thậm chí đã trải qua một cuộc phẫu thuật để cấy ghép thiết bị đo áp suất chất lỏng xung quanh não của mình, song cuối cùng phải tháo bỏ vì hiệu quả không cao.
Toàn bộ phi hành đoàn sẽ bay quanh Trái đất trong tối đa 5 ngày; bay lên độ cao 1.400 km so với bề mặt Trái đất - tức cao hơn Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hơn 3 lần. Nhiệm vụ sẽ kết thúc bằng chuyến đáp xuống ngoài khơi bờ biển Florida. Các thành viên phi hành đoàn sẽ nghĩ về gia đình của mình trong suốt chuyến đi.
“Điều nguy hiểm nhất là ta phải từ bỏ bầu khí quyển của mình, sau đó lại phải thiết lập lại môi trường áp suất này. Tôi nghĩ nếu có va chạm với thiên thạch nhỏ, đó sẽ là một ngày đen đủi”, ông Isaacman nói.
Theo: The New York Times
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn