Trong series podcast Chapter 0 do Rising Vietnam sản xuất, Nhà báo Dương Ngọc Trinh, gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình thông qua các chương trình về kinh doanh và đầu tư, đã chia sẻ những quan điểm về tầm quan trọng của việc học hỏi để có thể vận hành doanh nghiệp, đồng thời chỉ ra điểm khác biệt giữa "startup" và "lập nghiệp".
"Bạn nấu được một món ăn ngon, nấu được 10 bát, rồi tới 100 bát, bán hàng đắt như tôm tươi. Nhưng sau một thời gian khách càng ngày càng vắng, thì đây chính là giá trị của việc đi học. Ban đầu đó là quán lạ, nhưng đến lúc khách hàng quen rồi thì họ sẽ bị thu hút bởi cái lạ khác. Mình mới chạm đến lớp tâm lý đầu tiên của họ mà chưa đào sâu", Nhà báo Ngọc Trinh gợi mở vấn đề.
Chia sẻ trải nghiệm cá nhân, chị cho biết nhờ đi học mà chị ý thức được rằng việc phân tích dữ liệu và hành vi người dùng cực kỳ quan trọng, bởi họ sẽ thay đổi theo thời gian.
"Khi đi học tôi mới hiểu ra rằng cần biết về hành vi tâm lý và phân tích khách hàng mục tiêu. Phải dùng kỹ năng chứ không thể dùng bản năng để kinh doanh được, và phải cần đến những bộ công cụ. Có thể tôi làm điều đấy không giỏi, nhưng tôi biết những yếu tố cơ bản để tuyển người giỏi về làm cho mình", chị Ngọc Trinh cho hay.
Nữ nhà báo còn phân tích sự khác nhau giữa khái niệm khởi nghiệp (startup) và lập nghiệp. Theo chị, các startup mong muốn được đầu tư, còn người lập nghiệp mong muốn bán được hàng.
"Hai điều đó rồi cũng sẽ diễn ra, nhưng vấn đề là bên nào sẽ muốn cái nào diễn ra trước. Ví dụ startup có ý tưởng từ việc ứng dụng công nghệ, chắc chắn cần rất nhiều tiền và thời gian, nên họ cần người nào đó có tầm nhìn, vốn và khả năng bổ trợ, đầu tư được cho họ cả nguồn vốn, nguồn lực và cơ hội để có thể phát triển sản phẩm.
Còn những người lập nghiệp thường có tài lẻ như nấu ăn ngon, may áo đẹp. Họ chỉ muốn sản phẩm được bán ra. Hai mục đích đó khác nhau, nhưng điểm chung là vẫn phải có một bộ cơ sở đánh giá năng lực một cách chuyên nghiệp.
Bạn pha được 1 cốc nước ngon không có nghĩa là pha được 10 cốc nước ngon cùng lúc. Sẽ rất thảm họa nếu mất tới 15 phút để ra một cốc nước, trong khi khách đang xếp hàng dài. Họ sẽ bỏ đi và không quay lại. Còn nếu bạn pha 1 cốc nước ngon, 10 người xếp hàng, nhưng bạn hoàn toàn có thể nhân bản cốc nước này cùng lúc, thì bạn có khả năng phục vụ cả nghìn người trong thời gian ngắn.
Tất cả những thứ đó không thể đến được bằng bản năng mà phải là kỹ năng. Kỹ năng này còn phải được đào tạo, tôi luyện chuyên nghiệp hết mức có thể. Đó là giá trị của việc đi học để trở nên chuyên nghiệp", Nhà báo Ngọc Trinh một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học.
Đề cập đến Gen Z (những người sinh từ năm 1997-2012), Nhà báo Ngọc Trinh nhìn nhận đây là một thế hệ rất xuất sắc, thế hệ kiến tạo và làm thủ lĩnh, nhờ hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi về môi trường, công nghệ, văn minh xã hội, phát triển bền vững.
"Tuy nhiên, người ta có câu 'nhà nghèo vượt khó không bằng nhà giàu vượt sướng', nên Gen Z sẽ đối mặt với khủng hoảng cơ hội. Khi đứng giữa nhiều lựa chọn, có những Gen Z sẽ chạy theo cảm xúc, làm việc phải có đam mê. Nhưng đam mê là khi khó không bỏ, khi chán không nản chứ không phải vui thì làm, cảm thấy không vui nữa thì chuyển sang cái khác.
Những người chịu đựng được thử thách, chịu được những cú va đập, đập vỡ cái tôi để tái sinh, nâng cấp, thì họ sẽ trở thành những người rất mạnh", nữ nhà báo nêu quan điểm.
Cộng tác viên