Theo công bố năm 2023 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm của thế giới đạt khoảng 130 tỷ tấn. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 tỷ tấn, đứng thứ 2 thế giới.
Đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.
Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm. Đất hiếm là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió…
Trên thực tế, nhiều nước lớn trên thế giới rất quan tâm tới đất hiếm tại Việt Nam. Vào tháng 4/2024, Công ty Nhà nước Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG), một trong những công ty đất hiếm lớn nhất thế giới, đã bày tỏ mong muốn được hợp tác với các công ty Việt Nam nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ và phát triển kinh tế xã hội.
Không chỉ vậy, mới đây, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng vào 30/6 - 3/7/2024, lãnh đạo Tập đoàn Posco - 1 trong top 5 doanh nghiệp kinh doanh tại Hàn Quốc với doanh thu năm 2023 đạt 59 tỷ USD, cũng bày tỏ quan tâm tới chế biến đất hiếm tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang khởi động khai thác kho báu đất hiếm. Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Chính phủ, Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm. Các đề án thăm dò được chấp thuận tại Lai Châu, ngoài ra còn ở một số mỏ có nhiều tiềm năng. Giai đoạn từ 2031 - 2050, tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai.
Ở Việt Nam, đất hiếm được phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có các mỏ đất hiếm đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái.
Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm.
Trong đó, mỏ đất hiếm Đông Pao lớn nhất Việt Nam nằm tại Lai Châu có diện tích 132 ha với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn. Ngoài ra còn mỏ Bắc Nậm Xe và Nam Nậm Xe. Theo đó, trữ lượng đất hiếm nằm tại Lai Châu chiếm hơn 50% trữ lượng cả nước.
Trên thực tế, Lai Châu là tỉnh có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Năm 2023, quy mô kinh tế GRDP của Lai Châu đạt khoảng 23.389 tỷ đồng (khoảng 1,03 tỷ USD), xếp thứ 61/63 tỉnh, thành. Theo Tỉnh ủy Lai Châu, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức do tình hình chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu ngày 19/11/2023, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho biết đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe với tổng công suất thiết kế khai thác 400.000 - 600.000 tấn/năm quặng đất hiếm nguyên khai.
Không chỉ vậy, theo Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định chế biến đất hiếm sẽ nằm trong những trọng tâm phát triển của tỉnh. Lai Châu là tỉnh có tiềm năng lớn về đất hiếm, nên tỉnh luôn xác định rõ sẽ quản lý tốt tránh khai thác tùy tiện xuất khẩu thô và đầu tư ngành công nghiệp chế biến sâu tạo thành phẩm.
Cùng với đó, tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, phát triển toàn diện; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới. Phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.
Cộng tác viên