Ảnh minh họa
Việt Nam đang nắm lợi thế lớn so với các quốc gia khác khi sở hữu đến 500.000 ha các loại cây gia vị, khoảng 400 doanh nghiệp và hàng trăm nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ tham gia vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này.
Theo thống kê, nước ta còn dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế và các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, nghệ, bạch đậu khấu,…
Đáng chú ý, bạch đậu khấu là một loại gia vị đắt đỏ thứ 3 trên thế giới, đứng sau nhụy hoa nghệ tây và vani với giá bán có thời điểm lên đến 9 USD cho 100 gram. Cây bạch đậu khấu là loài thảo dược mọc hoang trong tự nhiên, trồng nhiều các 1 số nước như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Nam Mỹ,...Ở Việt Nam, cây mọc ở vùng núi cao, khí hậu mát mẻ như Lào Cai, Cao Bằng,... Loài cây thảo này cao khoảng 2-3m, sống lâu năm. Rễ mọc bò, lá mọc thành 2 dãy. Cụm hoa mọc thành bông với hoa màu trắng.
Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPAS), trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu được 1.684 tấn bạch đậu khấu, nhục đậu khấu với kim ngạch đạt 15,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 8,4%, kim ngạch tăng 21,6%. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Nedspice Việt Nam đạt 1.152 tấn và Olam Việt Nam với 361 tấn mặt hàng này.
Nhục đậu khấu (ở một số địa phương còn được gọi là nhục quả, ngọc quả) có tên khoa học là Myristica fragrans Hourt và thuộc họ nhục đậu khấu Myristicaceae. Đây là loại quả thuộc dòng cây thân gỗ, chúng có chiều cao lên tới 8 – 10m, cành mảnh, toàn thân cây nhẵn, lá của chúng mọc so le, xanh tươi quanh năm, dai, phiến lá hình mác, mép nguyên, có 8-10 gân lá đối xứng 2 bên và cuống lá dài 7 - 12mm.
Với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, cùng vùng trồng tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Việt Nam có thể trở thành một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới cho hai mặt hàng giá trị cao này.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng bạch đậu khấu và nhục đậu khấu của Việt Nam đạt khoảng 3.000 – 5.000 tấn/năm, trong đó một phần lớn được xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu. Đây là những thị trường có nhu cầu ổn định do ứng dụng rộng rãi trong ẩm thực, dược phẩm và công nghiệp mỹ phẩm. Đáng chú ý, giá bạch đậu khấu xuất khẩu dao động 50 – 70 USD/kg, còn nhục đậu khấu đạt 20 – 30 USD/kg, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng, Việt Nam cần khắc phục những hạn chế như quy mô sản xuất manh mún, công nghệ chế biến lạc hậu và thiếu thương hiệu toàn cầu. Các giải pháp đồng bộ như xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn hóa, áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ (EU Organic, USDA), và liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giúp nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.
Với chiến lược phát triển bài bản, bạch đậu khấu và nhục đậu khấu hoàn toàn có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần đưa nông sản Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ gia vị toàn cầu.
Như Quỳnh
Nguyễn Đức Hải