Ngày 14/11/2024, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có Văn bản xác nhận về việc nhận được đầy đủ tài liệu Báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của Vietbank, theo đó trên cơ sở Văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước cũng như xác nhận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vietbank sẽ tiến hành các thủ tục còn lại để hoàn tất tăng vốn điều lệ theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Cụ thể, Vietbank sẽ tăng vốn điều lệ thêm 1.428 tỷ đồng thông qua việc phát hành 142,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại đến ngày 31/12/2023, tương đương với tỷ lệ cổ tức phân bổ 25% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành, bao gồm cả cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu theo Nghị quyết 01/2023/NQ-ĐHĐCĐ.
Phần vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng cho việc đầu tư tài sản, bổ sung nguồn vốn để phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động và sinh lợi cho hoạt động kinh doanh Vietbank. Thời gian dự kiến hoàn tất chậm nhất vào ngày 31/12/2024.
Như vậy, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng lên 7.139 tỷ đồng, gấp 36 lần so với thời điểm thành lập vào năm 2007, cho thấy nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao năng lực tài chính. Vietbank luôn ưu tiên và kiên định với mục tiêu tăng trưởng an toàn, bền vững và hiệu quả. Quá trình hoạt động, Vietbank luôn nỗ lực và hướng tới việc hoàn thiện cơ chế quản trị, điều hành theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng các yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán với vai trò là Công ty đại chúng quy mô lớn. Để tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng quản trị, sự linh hoạt trong công tác quản trị, điều hành, ngày 15/11/2024, Vietbank đã hoàn tất việc thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Ngân hàng theo quy định. Điều này đang tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng tập trung vào chiến lược mở rộng mạng lưới, gia tăng tiện ích cho khách hàng từ đó tích cực thúc đẩy nền kinh tế.
Trong tháng 11, Vietbank sẽ khai trương liên tiếp hai chi nhánh mới tại Cà Mau và Bình Phước, khẳng định bước tiến vững chắc trong chiến lược phát triển tại thị trường miền Nam. Ban lãnh đạo kỳ vọng rằng Vietbank Cà Mau, Vietbank Bình Phước sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là các nhu cầu về vốn, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung cho nền kinh tế địa phương cũng như toàn quốc.
Cùng với việc khai trương chi nhánh Cà Mau, Bình Phước, Vietbank sẽ tiếp tục khai trương các điểm giao dịch mới như Vietbank Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), Vietbank Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), Vietbank Bến Cát (tỉnh Bình Dương), Vietbank Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắc), Vietbank Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng). Như vậy, tính đến cuối năm 2024, Vietbank dự kiến có 132 chi nhánh, phòng giao dịch, tự tin đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng đông đảo khách hàng. Qua đó, kết nối các thành phần kinh tế, đóng góp cho sự tăng trưởng tại các địa phương trên cả nước.
Bên cạnh phát triển mạng lưới giao dịch, Vietbank cũng tập trung mọi nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngân hàng tiếp tục duy trì, củng cố cơ sở vật chất, công nghệ thông tin để đảm bảo hoạt động kinh doanh thường xuyên, liên tục và an toàn.
Với các nỗ lực nâng cao khả năng tài chính, hoàn thiện cơ chế quản trị, điều hành cũng như mở rộng mạng lưới và số hóa hoạt động, Vietbank đã có những bước chuẩn bị tạo nền tảng vững chắc cho đà phát triển năm 2025 và các năm tiếp theo.
PV
Phạm Thị Tâm
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vietbank-no-luc-tang-von-dieu-le-kien-dinh-voi-muc-tieu-tang-truong-ben-vung-205241115152604454.htm