Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex, từ tháng 4/2019 gọi tắt là WTO) từng là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được thành lập năm 1999, trực thuộc Bộ GTVT. Ông Võ Nhật Thăng (sinh năm 1959) khi đó được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty.
Sau khi cổ phần hóa vào năm 2005, ông Thăng thâu tóm 93,37% cổ phần của Vietracimex. Dưới "bàn tay" ông Thăng, Vietracimex trở thành tập đoàn đa ngành với cả chục công ty thành viên, trong đó 4 lĩnh vực chính là Bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và Thương mại dịch vụ.
Trong hệ sinh thái của Vietracimex nhiều công ty con mang tên ông Thăng gồm: CTCP Nhật Thăng VNT6, CTCP Nhật Thăng VNT7, CTCP Nhật Thăng VNT10.
Trong lĩnh vực bất động sản, Vietracimex là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146ha); Dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2ha); Dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (44,4ha); Dự án Khu dân cư Nam Thăng Long, huyện Bình Chánh, TP. HCM (41,87ha); Sân Golf Minh Trí (Hanoi Golf Club) tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội (108ha)…
Vietracimex từng gây xôn xao dư luận khi đề xuất đầu tư dự án Tổ hợp du lịch – dịch vụ và nghỉ dưỡng Sunrise VNT Mũi Yến tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận với quy mô 897,4ha, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 57.638,3 tỷ đồng (gần 2,5 tỷ USD).
Trong lĩnh vực năng lượng, Vietracimex sở hữu nhiều dự án thủy điện như: Nhà máy thủy điện Tà Thàng tại Lào Cai (công suất 60MW, tổng vốn đầu tư 2.147 tỷ đồng); Nhà máy thủy điện Bắc Mê tại Hà Giang (công suất 45MW, tổng vốn đầu tư 2.394 tỷ đồng); Nhà máy thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo tại Lâm Đồng (công suất 24MW, tổng vốn đầu tư 653 tỷ đồng). Cùng với đó là hai dự án thủy điện rất lớn tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là Nậm Mô 1 (công suất 90MW, tổng vốn đầu tư 4.128 tỷ đồng) và Mỹ Lý 1 (công suất 180MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỷ đồng).
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tập đoàn này sơ hữu nhiều dự án như Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (công suất 150MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỷ đồng); Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B (công suất 100MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỷ đồng); Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100MW); và hai dự án điện gió công suất 400MW tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng.
Ở mảng sản xuất công nghiệp, Vietracimex sở hữu nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 350.000 tấn/năm.
Đầu năm 2016, Thanh tra Chính phủ có thông báo số 111/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải) trong việc cổ phần hóa và trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại các đơn vị được thành lập từ việc cổ phần hóa.
Với cá nhân ông Võ Nhật Thăng, Thanh tra Chính phủ khẳng định: "Với tư cách là người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty mẹ, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vietracimex, ông Thăng đã cố ý làm trái quy định của pháp luật".
Cụ thể là việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật trong việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường (ngày 3/6/2006).
Đặc biệt Thanh tra Chính phủ xác định việc chuyển công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần mà ông Thăng có vốn góp chiếm 93,37% vốn điều lệ là sai phạm có tính bước ngoặt. Điều này làm cho tiến trình cổ phần hóa Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng bị đảo ngược, trái với mục đích, yêu cầu của đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Qua nhiều lần tăng vốn liên tiếp sau đại hội cổ đông trái pháp luật, tại thời điểm 31/12/2013, tổng số tiền ông Thăng góp vào Vietracimex là 5.165,8 tỷ đồng, chiếm 93,37% vốn điều lệ.
Theo đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm tháng 8/2018, ông Võ Nhật Thăng sở hữu 99,98% cổ phần WTO. Đến tháng 7/2020, WTO có vốn điều lệ hơn 8.510 tỷ đồng. Dù vẫn là chủ sở hữu nhưng ông Võ Nhật Thăng không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT hay người đại diện pháp luật của tập đoàn.
Hiện ông Võ Nhật Thăng chỉ còn đứng tên đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Sài Gòn - Hà Nội, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch ngôi sao Hạ Long, Công ty cổ phần Giấy Thanh Hóa và Công ty cổ phần Bất động sản VNT - Idico.
Theo dữ liệu của PV, ông Võ Nhật Thăng nhiều lần đem tài sản là cổ phần doanh nghiệp thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Cụ thể, tháng 8/2018, ông Võ Nhật Thăng cùng vợ là Nguyễn Thị Mai Loan đem gần 13,4 triệu cổ phiếu (gồm 4,5 triệu cổ phiếu do ông Thăng sở hữu và 8,9 triệu cổ phiếu do bà Loan sở hữu) tại Công ty Cổ Phần Sân Golf Hà Nội làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại MB chi nhánh Hoàn Kiếm.
Tiếp đến tháng 7/2021, ông Võ Nhật Thăng đem 100 triệu cổ phần WTO thế chấp cho khoản vay tại Agribank.
Bên cạnh đó, ông Thăng và vợ còn đem thế chấp một số bất động sản như: Biệt thự số 10A (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội); nhà riêng số 24 Nguyễn Hữu Huân (Hoàn Kiếm, Hà Nội); quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại tổ 50, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và khu dân cư An Trang (xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng).
Hà Ly
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vietracimex-wto-ve-tay-ong-vo-nhat-thang-nhu-the-nao-205240712215120006.htm