Vinaconex 4 lần mua lại trái phiếu trước hạn trong tuần đầu tháng 8

Chỉ trong tuần đầu tiên tháng 8, Vinaconex đã 4 lần mua lại trái phiếu trước hạn với tổng số tiền 400 tỷ đồng gồm các mã VCGH2126006, VCGG2126007, VCGH2125005.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã VCG, sàn HoSE) vừa báo cáo kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.

Cụ thể, vào ngày 4/8, Vinaconex đã mua lại toàn bộ 120 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGH2126006 và 80 tỷ đồng trong số 220 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGG2126007.

Hai mã VCGH2126006 và VCGH2126007 đều được phát hành vào ngày 15/6/2021, có thời hạn lần lượt là 60 tháng và 66 tháng. Các lô trái phiếu được Vinaconex phát hành để tham gia hợp tác đầu tư cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) phát triển dự án Cát Bà Amatina. Các tài sản liên quan tới dự án này cũng được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành trên.

vinaconex-4-lan-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-trong-tuan-dau-thang-8-1691463648.jpeg
Tòa nhà Vinaconex

Đây là lần thứ 4 trong tháng 8 VCG tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn. Gần nhất là vào ngày 1/8 vừa qua, Vinaconex đã mua lại 200 tỷ đồng của các mã VCGH2125005 và VCGH2126006.

Tính chung từ tháng 4/2023 đến nay, Vinaconex đã 11 lần thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị là 1.400 tỷ đồng. 

Về tình hình kinh doanh trong quý II/2023, VCG ghi nhận doanh thu đạt 4.567 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng gấp ba dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ chỉ tăng 38% lên 430 tỷ đồng.

Khấu trừ thuế phí, VCG báo lãi ròng quý II/2023 ở mức 130,3 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022. Theo giải trình của công ty, lợi nhuận sau thuế giảm do giá vốn hoạt động cùng với các chi phí tăng cao. 

Mặt khác, từ đầu năm 2023, các công ty con, công ty liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của kinh tế trong nước, làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VCG ghi nhận doanh thu 6.532 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng với cùng kỳ 2022, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn 80% về còn 139 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 16% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCG từ tháng 5 tới nay đang có đà tăng khá ấn tượng khi đi từ vùng giá 17.000 đồng/cổ phiếu lên vùng giá 27.000 đồng/cổ phiếu.

Thị giá cổ phiếu được đẩy lên nhờ thông tin Vinaconex có mặt trong hai liên danh vượt qua vòng kỹ thuật của hai gói thầu lớn nhất sân bay Long Thành. Cụ thể, Vinaconex là một trong 9 doanh nghiệp Việt nằm trong liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu. Liên danh Vietur là ứng viên duy nhất vượt qua vòng kỹ thuật, bước vào vòng mở hồ sơ tài chính gói thầu 5.10 trị giá 35.200 tỷ đồng, sân bay Long Thành.

Tiếp đến, Vinaconex cũng góp mặt trong liên danh gồm Tổng Công ty xây dựng công trình hàng không ACC - TCT Xây dựng Trường Sơn - CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam - CTCP Tập đoàn Cienco4 - CTCP Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu số 4.6 trị giá 8.100 tỷ đồng. 

Đây là gói thầu "Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác” của Dự án thành phần 3, Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vinaconex-4-lan-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-trong-tuan-dau-thang-8-2053283.htm