Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ VHTTDL đề xuất giải quyết vướng mắc tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Cụ thể, trong công văn nêu rõ, đơn vị này đã đăng ký tham gia mua cổ phần và thực hiện đúng, đầy đủ quy trình thủ tục theo quy định trong việc tham gia mua cổ phần tại Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam khi cổ phần hóa.
Đồng thời, đơn vị này cũng bày tỏ quan điểm trước khi cổ phần hoá, Hãng phim truyện Việt Nam hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu chính của Hãng trong nhiều năm vừa qua chỉ trông chờ vào nguồn tiền do nhà nước đặt hàng sản xuất. Tuy nhiên, do bộ máy của Hãng quá cồng kềnh, số lượng lao động gián tiếp lớn nên nguồn ngân sách Nhà nước đặt hàng sản xuất phim chủ yếu để trả lương cho cán bộ công nhân viên, dẫn đến tiền đầu tư trực tiếp cho sản xuất phim ít. Điều này khiến chất lượng phim còn hạn chế, sản xuất ra không có người xem, thua lỗ triền miên.
Bên cạnh đó, Vivaso cũng nêu những khó khăn sau khi cổ phần hóa tại Hãng Phim truyện Việt Nam từ năm 2017. Khi tiếp quản, doanh nghiệp đã phải nộp 23,2 tỷ đồng tiền thuế do công ty nhà nước nợ ngân sách nhiều năm.
Trong quá trình tái cơ cấu tổ chức theo mô hình mới, quyền lợi một số cá nhân bị ảnh hưởng, khiến ban lãnh đạo và các nghệ sĩ không tìm được tiếng nói chung. Năm 2018, Vivaso đã đề xuất chuyển nhượng cổ phần trước hạn cho các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL chưa tìm được nhà đầu tư mới cũng như khó khăn về nguồn vốn và các quy định của pháp luật hiện hành về việc để Bộ mua lại cổ phần của nhà đầu tư. Do đó, tổng công ty chưa thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam được. Hậu quả là cơ sở hạ tầng hãng ngày càng xuống cấp, người lao động không có công ăn việc làm, còn doanh nghiệp thua lỗ do vẫn phải trả tiền thuê đất hàng năm, thiệt hại nặng nề.
Vì vậy, để giải quyết thấu đáo, tháo gỡ mọi khó khăn trong việc giải quyết các vướng mắc tại Hãng phim truyện Việt Nam, Vivaso kiến nghị cho phép Vivaso được đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng đã cũ nát theo đúng mục tiêu ngành nghề kinh doanh là sản xuất phim và văn hóa điện ảnh; đầu tư đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Về một số dư luận cho rằng nhà đầu tư không có chuyên môn về lĩnh vực sản xuất phim, Vivaso đề nghị Bộ VH-TT&DL cử người đại diện phần vốn nhà nước có đủ chuyên môn kinh nghiệm và uy tín tham gia Hội đồng quản trị. Để tạo hành lang pháp lý, các cam kết sẽ được bổ sung vào Điều lệ hoạt động của công ty trong kỳ Đại hội đồng cổ đông gần nhất. Cùng với đó, Vivaso cho biết, ngay sau khi có Tổng giám đốc mới và kiện toàn bộ máy điều hành sản xuất, nhà đầu tư cam kết đầu tư ngay tiền để sản xuất phim theo kế hoạch sản xuất của Tổng giám đốc.
Nhà đầu tư còn cho rằng phương án này cũng giúp nhà nước không phải dùng ngân sách để mua lại cổ phần và đầu tư tiền vào doanh nghiệp đã được cổ phần hóa.
Nếu các đề xuất không được Chính phủ chấp thuận, công ty này xin được giới thiệu nhà đầu tư mới để chuyển nhượng cổ phần theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Trước đó, cuối tháng 3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan rà soát vi phạm khi cổ phần hóa và vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra Hãng phim truyện Việt Nam. Trên cơ sở kết quả kiểm tra và quy định pháp luật, Thanh tra Chính phủ kiến nghị biện pháp xử lý khả thi để giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/4.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ VH-TT&DL. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội.
Phạm Ngọc (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vivaso-xin-tiep-tuc-dau-tu-cho-hang-phim-truyen-viet-nam-205734777.htm