Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định đưa cổ phiếu VNZ của CTCP VNG (mã VNZ, sàn UPCoM) ra khỏi diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 1/11 do tổ chức đăng ký giao dịch đã nộp cho HNX báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét.
Trước đó, cổ phiếu VNZ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/10 và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần do VNG chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, ngày 24/10, VNG công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2023, ghi nhận doanh thu 4.098 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng nói, chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG đạt 752 tỷ đồng tại báo cáo soát xét, trong khi báo cáo tự lập là 682 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phần lỗ trong công ty liên kết sau 6 tháng đầu năm của VNG là 233 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ, con số này cũng cao hơn nhiều khoản lỗ 49,6 tỷ đồng tại báo cáo tự lập.
Khấu trừ thuế phí, VNG báo lỗ sau thuế bán niên 293,3 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ 40 tỷ đồng của BCTC tự lập quý II/2023.
Gần 36 triệu cổ phiếu VNZ chính thức chào sàn UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 240.000 đồng/CP vào ngày 5/1/2023. Sau 14 phiên đầu tiên không có giao dịch, VNZ tăng trần 11 phiên liên tiếp từ 1/2 – 15/2, thị giá tăng vượt lên 1.358.700 đồng/CP, qua đó trở thành cổ phiếu có giá đắt nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện, VNZ giao dịch ổn định quanh mốc 800.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch chỉ vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu.
Trong khi đó, HNX cũng vừa thông báo chấp thuận đăng ký giao dịch gần 119,8 triệu cổ phiếu NCG của CTCP Tập đoàn Nova Consumer trên sàn UPCoM. HNX chưa có thông tin về ngày giao dịch đầu tiên và giá tham chiếu của cổ phiếu này.
Trước đó, vào tháng 3/2022, Nova Consumer hoàn tất đợt chào bán ra công chúng (IPO) 10,9 triệu cổ phiếu với giá chào bán là 44.000 đồng/cổ phiếu, thu về 479,6 tỷ đồng. Sau IPO, Nova Consumer có 251 cổ đông, trong đó có 250 cổ đông trong nước (nắm 99,97% vốn) và 1 tổ chức nước ngoài.
Hai cổ đông lớn của Nova Consumer là CTCP Thương mại Bảo Khang (65,61%) và CTCP Đầu tư Anova (13,72%) vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cho đến cuối tháng 6/2023.
Tháng 9 năm ngoái, Nova Consumer nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên HoSE nhưng sau ba tháng bị HoSE dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết do chưa bổ sung các tài liệu phát sinh theo thời hạn.
Về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Nova Consumer ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 2.140,5 tỷ đồng tuy nhiên lỗ ròng 31 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm ngoái lãi gần 185 tỷ đồng.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/vnz-thoat-dien-han-che-giao-dich-nova-consumer-chuan-bi-len-san-upcom-2055069.htm