*Bài viết dựa trên câu chuyện của anh Ken Mac, một người cha 4 đứa con ở nhà làm nội trợ, sống ở Chicago-Mỹ, đăng trên tờ Business Insider ngày 24/7/2024.
Tôi là một người cha của 4 đứa con: 19-15-7 và 5 tuổi trong khi người vợ Andrea là người kiếm tiền chính trong nhà với thu nhập 500.000 USD/năm, tương đương 12 tỷ đồng. Bản thân tôi đã ở nhà làm nội trợ chăm con được 7 năm nay.
Tôi từng làm chuyên gia lập trình cho một tập đoàn sản xuất công nghiệp toàn cầu nhưng đã quyết định nghỉ khi đứa con thứ 3 chào đời dù có mức lương 6 chữ số. Vợ tôi thời đó chưa có thu nhập như bây giờ khi cô ấy làm giám đốc marketing cho một công ty luật.
Với 15 năm kinh nghiệm, tôi khá hài lòng và thoải mái với công việc của mình khi có nhiều đồng nghiệp tại công ty. Bởi vậy khi tuyên bố nghỉ việc để ở nhà chăm con, nhiều người đã sốc khi tôi từ bỏ công việc có mức thu nhập tốt như vậy.
Ngoài ra họ cũng tò mò liệu vợ tôi có kiếm đủ tiền cho cuộc sống ở nhà chăm con của tôi không.
Khi tôi còn đi làm thì vợ tôi sẽ lo con cái buổi sáng và tôi phụ trách buổi tối, nhưng từ khi tôi ở nhà làm nội trợ thì mọi việc đã khác.
Thực tế là tôi cũng không muốn nghỉ việc có thu nhập tốt như vậy, nhưng tôi cảm thấy rằng cha mẹ cần phải giành thêm thời gian cho con cái nhưng cả 2 chúng tôi lại quá bận.
Vì vợ tôi chưa muốn chấm dứt sự nghiệp để ở nhà chăm con nên tôi quyết định bản thân sẽ là người làm điều đó, hy sinh sự nghiệp cho gia đình.
Hy sinh vì gia đình
Ban đầu tôi cũng khá lo lắng bởi dù muốn tự tay chăm sóc con cái nhưng đây không chỉ đơn giản là nghỉ việc mà còn là sự thay đổi cả về lối sống. Tôi sẽ phải chấm dứt sự nghiệp đang thăng tiến của mình, từ bỏ cơ hội làm chủ gia đình để vào một vai trò mới mà tôi chưa bao giờ sẵn sàng hay được chuẩn bị trước.
Nói thật là đôi lúc tôi cũng nhớ nghề, nhớ về thời hoàng kim của mình với sự nghiệp thành công và sự kính nể của đồng nghiệp. Việc chăm lo con cái khiến tôi không còn nhiều thời gian cho các mối quan hệ xã hội khác, nhưng tôi không hối hận.
Những gì mà tôi nhận lại được khi ở nhà chăm con đáng giá hơn nhiều so với sự hy sinh sự nghiệp hay các mối quan hệ xã giao.
Tất nhiên những đứa con của tôi không hiểu rằng việc một ông bố ở nhà làm nội trợ là bất thường như thế nào nhưng chẳng ai đi thảo luận nhiều về vấn đề này.
Mối quan hệ giữa vợ chồng tôi khá khăng khít từ trước khi tôi nghỉ việc và giờ càng khăng khít hơn. Tình yêu, sự tôn trọng, sự cam kết và sức hút giữa chúng tôi chẳng liên quan gì đến mức độ thu nhập của từng người.
Thậm chí tôi còn cảm thấy tự hào vì vợ tôi cực kỳ thành công trong sự nghiệp. Biết tôn trọng lẫn nhau và trao đổi thẳng thắn là bí quyết khiến mối quan hệ giữa chúng tôi ngày càng tốt đẹp.
12 tiếng mỗi ngày
Kể từ khi làm nội trợ thì tôi mới nhận ra những người vợ đã phải hy sinh thế nào cho gia đình.
Với 6 thành viên thì lượng công việc nội trợ trong gia đình tôi là khá lớn, từ nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp, giặt giũ cho đến công việc trông con học bài hay cho chúng ăn cũng là vấn đề.
Những công việc không tên này dường như không bao giờ chấm dứt, cái này nối tiếp cái khác khiến tôi phải mất bình quân 12 tiếng mỗi ngày, cả 7 ngày trong tuần để làm liên tục.
Mỗi sáng thức dậy là tôi phải tất bật chuẩn bị bữa sáng, thay quần áo, xếp đồ và đưa đón 4 đứa con đi học. Cuối ngày thì lo bữa tối, đón con về, tắm rửa và cho chúng học bài rồi đưa chúng đi ngủ. Đôi khi tôi còn phải tham gia hướng dẫn chúng chơi thể thao, đi ngoại khóa cùng vô số những hội phụ huynh khác.
Vợ tôi có giúp đỡ một chút nhưng do tính chất công việc nên cô ấy khá bận. Những lúc cô ấy phải đi công tác thì tôi phải lo hết mọi việc nhà.
Mang tiếng ‘ăn bám’
Khó khăn nhất đối với tôi không chỉ là lượng lớn việc nhà mà còn là cái nhìn của xã hội, hàng xóm cũng như người thân.
Phần lớn phụ huynh ở nhà chăm con trong khu tôi sống là người vợ nên khá khó để một đàn ông như tôi tạo mối quan hệ.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy những người mẹ chỉ thấy thoải mái khi giao tiếp và chia sẻ kinh nghiệm với người đồng giới nên những người bố ở nhà như tôi sẽ phải tốn thời gian hơn rất nhiều để xây dựng quan hệ.
Thế rồi câu chuyện bị mang tiếng "ăn bám vợ" cũng là thách thức khi tôi ở nhà để người vợ đi làm nuôi gia đình.
Mỗi khi mọi người hỏi "Anh làm nghề gì?" là tôi lại cảm thấy bối rối trước khi thừa nhận mình ở nhà chăm con cho vợ đi làm.
Thậm chí đôi khi tôi cũng áp lực vì nhớ về thời hoàng kim, thời điểm mà bản thân cũng có sự nghiệp thành công chẳng kém nhưng phải từ bỏ vì gia đình.
Thế rồi việc một ông bố chăm con cũng khiến nhà trường và xã hội soi xét rất nhiều.
Ví dụ khi đứa con gái nhỏ của tôi bị phạt vì đánh nhau với bạn, tôi đã xử lý khá mềm mỏng nhưng các bà mẹ khác lại nói với vợ tôi rằng: "Nếu để một người mẹ chăm con thì cô ấy sẽ xử lý kiểu khác".
Tất nhiên việc bị thiếu tôn trọng chẳng còn xa lạ khi tôi không kiếm ra tiền. Có lần một đứa trẻ muốn theo nghề lập trình viên và tôi đã bảo với mẹ của cậu bé rằng tôi có thể giúp vì có bằng cử nhân công nghệ thông tin cũng như 15 năm kinh nghiệm.
"Và hãy xem tấm bằng công nghệ thông tin của anh đưa anh đến đâu thế này?", người mẹ nhìn tôi đầy bất ngờ với thái độ coi thường.
Nếu thời gian quay ngược
Cho dù nhận rất nhiều sự coi thường và phán xét từ xã hội nhưng tôi chẳng hối hận. Nếu được lựa chọn lại một lần nữa thì tôi vẫn sẽ ở nhà chăm con cho vợ phát triển sự nghiệp theo ý muốn của cô ấy.
Mặt khác nếu vợ tôi không kiếm được đủ tiền thì tôi cũng sẽ đi làm lại, tất cả vì lợi ích của gia đình và lũ trẻ.
Khi những đứa con dần lớn, tôi sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn và sẽ xây dựng lại sự nghiệp của mình. Tôi sẽ không làm chuyên viên lập trình nữa mà chuyển hướng làm khởi nghiệp.
Tôi khá tự tin rằng mình sẽ làm được khi đã khởi nghiệp dự án khó nhất cuộc đời, đó là đầu tư cho những đứa con của mình.
*Nguồn: BI
Cộng tác viên