Theo đó, báo cáo cho biết, nhờ xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến được phục hồi, cũng như mức đầu tư và tiêu dùng cao hơn, GDP của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 6.4% trong nửa đầu năm 2024 so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm 2023.
Trên phương diện sản xuất, các lĩnh vực chế tạo chế biến, các ngành dịch vụ liên quan đến xuất khẩu và du lịch đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, sản lượng công nghiệp chế tạo chế biến tăng trưởng 7% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024 trên nền xuất phát điểm thấp, là động lực tăng trưởng cho năm 2024, đóng góp đến một phần tư tăng trưởng GDP.
Bên cạnh đó, dịch vụ tiếp tục đóng góp trên một nửa cho tăng trưởng GDP, tăng đến 7,4% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024. Các dịch vụ liên quan đến xuất khẩu (vận tải và kho bãi) được hưởng lợi do xuất khẩu hàng hóa phục hồi, đồng thời lĩnh vực nhà hàng khách sạn cũng tăng trở lại, khi số lượt du khách quốc tế đạt 8,8 triệu lượt trong tháng 6/2024, cao hơn lượng du khách ghi nhận trước đại dịch COVID. Đóng góp của nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định ở mức 0,4 điểm phần trăm.
Đánh giá về tình hình kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, bà Dorstai Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực với cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng.
Theo ước tính của WB, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, sau đó lên đến 6,5% trong các năm 2025–2026. Trước đó, tại dự báo được đưa ra hồi tháng 4/2024, WB đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.
"Mức dự báo này cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu", báo cáo đánh giá.
Về cơ hội, các chuyên gia của WB nhận định, với sự tăng trưởng xuất khẩu liên tục và dấu hiệu phục hồi của bất động sản, nhu cầu trong nước sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện. Bên cạnh đó, tăng trưởng cao hơn dự kiến của kinh tế toàn cầu có thể thúc đẩy phục hồi bền vững cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức chính của thị trường vốn, bao gồm tỷ trọng thấp của các nhà đầu tư tổ chức trong cơ cấu nhà đầu tư và đầu tư từ quỹ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa được khai thác đúng mức.
Ngoài ra, một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Trung Quốc.
Trên cơ sở này, các chuyên gia WB khuyến nghị, các chính sách cần nâng cao minh bạch thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, giúp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong khu vực tài chính là yếu tố quan trọng góp phần đạt được những mục tiêu đó.
"Hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi. Đồng thời, cần từng bước đa dạng hóa kênh đầu tư quỹ của Bảo hiểm xã hội để cải thiện lợi nhuận dài hạn và tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào khu vực doanh nghiệp", ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB nói.
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn