Xe điện ‘thất sủng’ tại Mỹ vì quá đắt, số lượng tồn kho đáng báo động

Rào cản lớn nhất của xe điện có lẽ là giá cả.

Doanh số xe điện tại Mỹ đang dần chậm lại quanh mốc 100.000 chiếc/tháng sau khoảng thời gian tăng trưởng nhanh chóng. Lượng hàng tồn kho ngày càng chồng chất trong khi giá cả ngày càng giảm. Theo Cox Automotive, một chiếc xe điện mới trung bình được bán với giá khoảng 52.000 USD trong tháng 10, giảm so với mức 65.000 USD một năm trước đây.

Nhu cầu sử dụng xe điện tại Mỹ rõ ràng yếu hơn so với những gì các nhà sản xuất dự đoán. Ford và General Motors cắt giảm đầu tư, trong khi Giám đốc điều hành Tesla trong lần báo cáo thu nhập tháng 10 cho biết công ty sẽ đi chậm lại. Động thái tương tự cũng được ghi nhận trên khắp Đại Tây Dương khi Volkswagen quyết định tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy pin thứ tư.

Musk đổ lỗi cho câu chuyện lãi suất - điều khiến người tiêu dùng hàng tháng phải trả nhiều hơn cho các khoản vay mua ô tô. Tuy nhiên, thị trường ô tô rộng lớn của Mỹ vẫn phát triển bất chấp bối cảnh tài chính thắt chặt, vậy nên, lãi suất không phải nguyên do chính.

Những người giàu có đam mê công nghệ được cho là nhân tố giúp thúc đẩy làn sóng quan tâm đến xe điện. Giờ đây, có thể họ đang tìm kiếm mức giá thấp hơn, hấp dẫn hơn. Số khác thì chờ mẫu Model 3 mới của Tesla cũng như khoản tín dụng thuế EV trị giá 7.500 USD của chính phủ. Cú huých được cho là có thể khiến thị trường xe điện thăng hoa vào năm tới, song không thực sự chắc chắn.

Rào cản lớn nhất của xe điện có lẽ là giá cả. Chẳng hạn, một cuộc khảo sát được công bố trong tháng này bởi S&P Global Mobility cho thấy rằng chi phí là nguyên nhân hàng đầu khiến người tiêu dùng không sẵn sàng mua xe điện. Giải pháp lâu dài duy nhất là các nhà sản xuất phải tiến hành giảm chi phí. Ngoại trừ Tesla và một số công ty Trung Quốc, sản xuất xe điện ngày nay trở nên vô cùng đắt đỏ.

Ford mới đây tiếp tục báo lỗ lớn trên danh mục đầu tư Mustang Mach-E và F-150 Lightning. Hãng hy vọng có thể tung ra một thế hệ sản phẩm tinh gọn hơn vào năm 2025. Trong khi đó, Renault tuyên bố sẽ giảm 40% chi phí sản xuất cho xe điện cỡ trung trong 4 hoặc 5 năm tới.

Tuy nhiên, nói dễ hơn làm. Ngay cả Tesla - hãng xe điện nổi tiếng nước Mỹ cũng chưa thể hiện thực hóa lời hứa kéo dài suốt 17 năm để bán EV giá phải chăng.

“Mong muốn sở hữu một chiếc Tesla của mọi người rất cao. Yếu tố hạn chế duy nhất là khả năng chi trả của họ”, Musk nói, song lại không đề cập đến bất kỳ sự chắc chắn nào về một chiếc EV giá rẻ.

Theo BI, trong bối cảnh lãi suất cao và lạm phát, dù doanh số bán xe điện tăng 36% vào năm 2022, song mức giá cao của Tesla có nguy cơ giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Chiếc xe rẻ nhất của Tesla, Model 3 sedan, vẫn có giá 43.000 USD.

Đồng hồ vẫn chạy. Từng phút trôi qua cùng với việc thiếu vắng các dòng xe giá rẻ sẽ chỉ càng khiến Tesla gặp khó khăn trong môi trường cạnh tranh quá khắc nghiệt. Nhà sản xuất EV này, từng đạt mức vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD, giờ đây dường như đã bỏ lại phía sau những kỳ vọng mạnh mẽ và trở thành “quả bom nổ chậm” có thể rung chuyển toàn ngành.

Tìm nguồn cung ứng tại Trung Quốc có thể là lối đi tắt giúp các hãng ô tô tiết kiệm chi phí, song pin và động cơ điện giàu kim loại lại đắt hơn xăng thông thường, nhất là đối với các loại xe thể thao đa dụng hạng nặng và xe bán tải. Điều này thúc đẩy các nhà sản xuất tạo ra những mẫu xe tinh gọn hơn, nhẹ hơn để rẻ hơn và đi nhanh hơn.

Ngoài ra, theo lý giải của nhà sáng lập AEG Patrick Anderson, giá xăng tăng cao trong giai đoạn 2021 - đầu 2022 khiến xe điện nổi lên là một giải pháp thay thế, song với tình hình hiện tại, việc giá xăng xuống thấp hơn đã làm đảo chiều xu thế.

Hiện tại, nhiều hãng xe đã đồng loạt giảm giá song hầu hết các giám đốc điều hành đều cho rằng chính sách này không thực sự hiệu quả. Những chiếc xe điện đang khiến các đại lý mất nhiều thời gian hơn để bán so với xe chạy xăng vì thế hệ người mua tiếp theo tập trung chủ yếu vào chi phí và cơ sở hạ tầng trạm sạc.

“Tôi hy vọng vòng xoáy dìm giá bất hợp lý trong ngành xe điện sẽ nhanh chóng chấm dứt khi có sự can thiệp của các cổ đông, nếu như họ kịp nhận ra mình đang bị mất lợi nhuận. Bằng không rủi ro thua lỗ, phá sản là vô cùng lớn”, chuyên gia phân tích John Murphy của Bank of America nhận định.

Tất nhiên, không phải công ty nào cũng tham gia ngay vào cuộc đua dìm giá. Hãng GM chọn cách xây dựng lòng trung thành bằng chính sách trợ giúp tất cả các chủ sở hữu xe, song mới đây cũng buộc phải thừa nhận mọi thứ chẳng mấy dễ dàng.

“Khi chúng tôi tiến sâu hơn vào quá trình chuyển đổi sang xe điện, mọi việc đã không diễn ra suôn sẻ”, CEO Mary Barra của GM nói và tuyên bố công ty sẽ từ bỏ mục tiêu sản xuất 100.000 xe điện trong nửa cuối năm nay và 400.000 xe khác trong 6 tháng đầu năm 2024.

“Đây là một môi trường khá tàn bạo”, CFO Harald Wilhelm nói.

Theo một cuộc thăm dò của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago và Trung tâm Nghiên cứu cộng đồng của Associated Press-NORC, 47% người Mỹ cho biết họ sẽ không mua xe điện làm phương tiện tiếp theo. Chỉ 19% số người được hỏi nói rằng 'rất có khả năng' họ sẽ mua xe điện.

"Mặc dù có rất nhiều người quan tâm đến việc mua một chiếc xe điện nhưng chi phí trả trước và lo ngại xoay quanh cơ sở hạ tầng sạc điện chính là rào cản đối với nhiều người", Jennifer Benz, Phó Giám đốc Trung tâm AP-NORC, cho biết. 

Theo: WSJ, BI

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/xe-dien-that-sung-tai-my-vi-qua-dat-so-luong-ton-kho-dang-bao-dong-2055919.htm