Chiều 16/5, tòa phúc thẩm đại án Việt Á tiếp tục diễn ra với phần luận tội và xem xét kháng cáo của đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo.
Sau khi xem xét đánh giá các chứng cứ, tài liệu được các bị cáo cung cấp, VKS khẳng định không có cơ sở để xem xét kháng cáo đối với toàn bộ 11 bị cáo.
Cụ thể, bị cáo Phan Quốc Việt được xác định có vai trò chủ mưu, điều hành toàn bộ hoạt động của Việt Á. Lợi dụng tình hình dịch bệnh của đất nước để trục lợi, gây số tiền thiệt hại đặc biệt lớn. Hiện bị cáo phải khắc phục hậu quả hơn 600 tỷ đồng, trong khi toà phúc thẩm, bị cáo này mới khắc phục thêm 200 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng đánh giá số tiền đó là "không đáng kể" so với hậu quả gây ra. Mức án 29 năm tổng hợp 2 tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là phù hợp, không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đối với cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long được xác định phạm tội Nhận hối lộ nhiều lần với số tiền lớn 2,25 triệu USD thông qua thư ký. Bị cáo Long được xác định có tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần và được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác, bản thân bị cáo có cống hiến, tác giả nhiều đề tài cấp Nhà nước, đã khắc phục đủ 2,25 triệu USD từ phiên sơ thẩm.
Tại toà phúc thẩm, bị cáo trình biên lai nộp đủ án phí 100 triệu đồng và khắc phục chung hậu quả vụ án số tiền 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức án 18 năm tù mà toà sơ thẩm tuyên đã thấp hơn khung hình phạt với tội Nhận hối lộ. Do đó, cũng không có cơ sở xem xét kháng cáo.
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có tình tiết mới như nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ là 350.000 USD, bị cáo đã nộp hình phạt bổ sung, án phí và nộp thêm 50 triệu đồng khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Bị cáo có bố vợ có huân chương, huy chương kháng chiến, bản thân bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, tham gia đào tạo, tích cực tham gia hoạt động từ thiện, có nhiều bằng khen. Vợ bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, con bị cáo được tặng thưởng bằng khen.
Dù vậy, VKS cho rằng tòa án cấp sơ thẩm cho bị cáo hưởng mức án 14 năm tù dưới khung hình phạt bị truy tố. Do đó, VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo của bị cáo Hùng.
Còn lại đối với nhóm tội nhận hối lộ, VKS đề nghị bác kháng cáo của bị cáo Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, giữ nguyên mức án 7 năm tù đối với bị cáo; bác kháng cáo của bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương, giữ nguyên mức án 13 năm tù.
Ở tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đại diện VKS cho rằng cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh của các bị cáo và đã áp dụng mức án phù hợp, không có căn cứ để giảm nhẹ thêm hình phạt và đề nghị HĐXX bác kháng cáo.
Đối với những người có nghĩa vụ liên quan, bà Đàm Thị Trinh (mẹ của Phan Quốc Việt) có kháng cáo đề nghị tòa hủy bỏ kê biên, phong tỏa hàng chục sổ tiết kiệm đứng tên của bà tại các ngân hàng với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng và bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ của Phan Quốc Việt) đề nghị hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 2 sổ tiết kiệm đứng tên 2 con với tổng số tiền 20 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bà Đàm Thị Trinh cho biết, đó là số tiền vợ chồng bà tích cóp mấy chục năm qua do kinh doanh, tiền người thân gửi về và 1.000 cây vàng là của hồi môn.
Tương tự, vợ của Phan Quốc Việt cũng trình bày số tiền 20 tỷ đồng đang bị kê biên do bà tích cóp được từ hơn 10 năm nay và do chồng chuyển cho. Chủ tịch Việt Á cũng khẳng định, số tiền 20 tỷ đồng nói trên là từ nhiều nguồn.
Trước lý lẽ trên, HĐXX nhận định, thời điểm mà Phan Quốc Việt chuyển tiền cho vợ gửi tiết kiệm 20 tỷ đồng cũng là thời gian bị cáo thu lời bất chính từ bán kit xét nghiệm.
VSK cũng đưa ra quan điểm không chấp nhận kháng cáo của mẹ và vợ Phan Quốc Việt. Lý do được đưa ra đó đều là số tiền bất hợp pháp, do Phan Quốc Việt thu lời bất chính từ việc bán kit xét nghiệm trong giai đoạn 2020-2021 mà có.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/xet-xu-phuc-tham-vu-viet-a-vks-de-nghi-bac-khang-cao-cua-11-bi-cao-20514607.htm