Xét xử vụ Công ty AIC: Cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và 4 bị cáo được đề nghị giảm án

Liên quan đến vụ xét xử phúc thẩm vi phạm quy định về đấu thầu tại Bệnh viện Đồng Nai và Công ty AIC, có 5 bị cáo được VKS đề nghị giảm án trong đó có cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ.

Ngày 23/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên phúc thẩm vụ vi phạm quy định về đấu thầu và đưa - nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đồng Nai và Công ty AIC do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ tịch.

Kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS nêu quan điểm, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội đồng thời xem xét kháng cáo của 6 bị cáo.

vu-cong-ty-aic-cuu-giam-doc-so-y-te-tinh-dong-nai-va-4-bi-cao-duoc-de-nghi-giam-an-1684818475.jpeg
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ tại tòa. Ảnh: Zing.vn

Trong đó, bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) tại cấp sơ thẩm đã được tòa án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn ăn hỗi lỗi, tích cực hợp tác với CQĐT, có nhiều thành tích… Tuy nhiên, bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên.

VKS đánh giá, bị cáo Vũ đã tích cực tác động gia đình khắc phục hậu quả 500 triệu đồng, được Sở Y tế Đồng Nai có đơn xin giảm nhẹ hình phạt nên có cơ sở giảm nhẹ tội danh Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng với mức giảm 30- 36 tháng tù.

Với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga là đồng phạm giúp sức tích cực nhất cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC), cùng bị cáo Nhàn gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để thúc đẩy trúng thầu trái pháp luật, là người ký hồ sơ, cấu kết với chủ đầu tư thực hiện những hành vi sai phạm…

VKS nhận định, tại phiên sơ thẩm bị cáo Nga được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, đã nhận tội, tự nguyện khắc phục 500 triệu đồng…, nhưng bị cáo cũng bị áp dụng 2 tình tiết tăng nặng là “phạm tội 2 lần trở lên”, “phạm tội có tổ chức”.

Đến phiên phúc thẩm, VKS nhận định bị cáo Nga thừa nhận hành vi nhưng cho rằng mình không phải là chủ mưu, mà chỉ là người làm công ăn lương. VKS xét thấy trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ, lời khai có đủ căn cứ kết luận án sơ thẩm đã tuyên là đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không cung cấp thêm tình tiết mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.

Đối với các bị cáo Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ - Ban Quản lý Dự án 1 Công ty AIC), Lê Thị Hương (nguyên Phó ban Kế toán Công ty AIC), Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân), Vũ Quang Ngọc (nguyên Phó Giám đốc Công ty Medicosult Việt Nam), đại diện VKS cho rằng, các bị cáo này đều thành khẩn khai báo, cung cấp thông tin có giá trị cho CQĐT, nhân thân tốt…

Dù không bị cấp sơ thẩm tuyên phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã tích cực vận động gia đình khắc phục số tiền 100- 200 triệu đồng. Vì vậy, có cơ sơ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo trên.

Do đó, đại diện VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Tuân, Ngọc, cho 2 bị cáo này được giảm án. Riêng bị cáo Lê Thị Hương và Tuấn Anh, đại diện VKS đề nghị cho giảm nhẹ hình phạt, giữ nguyên án cũ nhưng chuyển thành án treo.

Đối với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng đề nghị bác kháng cáo đối với kháng cáo phần dân sự của Công ty AIC. Theo quan điểm của đại diện VKS, dù Công ty AIC tự nguyện bồi thường cho nguyên đơn dân sự là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nhưng Công ty AIC không còn tài sản đảm bảo để thi hành án. Vì vậy, bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty AIC, buộc công ty này bồi thường 15 tỷ đồng là hợp lý.

Về trách nhiệm dân sự của các bị cáo, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu, cầm đầu nên bản án sơ thẩm buộc bị cáo Nhàn phải bồi thường hơn 103 tỷ đồng; bị cáo Nga phải liên đới bồi thường 15 tỷ đồng là hợp lý.

Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Phan Huy Anh Vũ bị tuyên 10 năm tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 9 năm Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 19 năm tù. 

Tòa sơ thẩm cũng tuyên Lê Chí Tuân 3 năm tù; Lê Thị Hương 36 tháng tù; Huỳnh Tuấn Anh 30 tháng tù; Vũ Quang Ngọc 3 năm, 6 tháng tù.

Bà Nhàn cùng 7 người vắng mặt (đang truy nã hoặc bỏ trốn) gồm: Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc Công ty AIC, sơ thẩm 25 năm tù), Nguyễn Đăng Thuyết (cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, sơ thẩm 30 tháng tù), Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa, sơ thẩm 5 năm tù), Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên, sơ thẩm 4 năm tù), Nguyễn Thị Tích (Tổng giám đốc Công ty Mopha, sơ thẩm 4 năm tù), Nguyễn Thị Sen (cựu Giám đốc Công ty thiết bị y tế và môi trường, sơ thẩm 4 năm tù), Đỗ Văn Sơn (cựu kế toán AIC, sơ thẩm 6 năm tù). Những người này được kháng cáo thay nhưng HĐXX đã bác toàn bộ kháng cáo của những người bào chữa.

Bản án sơ thẩm xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là chủ mưu, chỉ đạo nhân viên thuộc các phòng ban trong Công ty AIC móc nối với chủ đầu tư, phân công một số công ty làm “quân xanh, quân đỏ” trong quá trình đấu thầu và trúng thầu.

Khi có chủ trương về việc đầu tư xây dựng dự án Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn và Nga nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, giới thiệu về công ty AIC, đề nghị tạo điều kiện cho công ty tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại dự án bệnh viện cũng như tham gia các dự án khác của tỉnh.

Quá trình Công ty AIC tham gia và trúng thầu, các ông Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái nhận hối lộ mỗi người tổng số tiền 14,5 tỷ đồng từ bà Nhàn và phía doanh nghiệp. Còn ông Phan Huy Anh Vũ nhận 14,8 tỷ đồng.

Sai phạm về đấu thầu của bà Nhàn và các bị cáo trong vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/xet-xu-vu-cong-ty-aic-cuu-giam-doc-so-y-te-tinh-dong-nai-va-4-bi-cao-duoc-de-nghi-giam-an-2051714.htm