Trong toạ đàm “Kinh tế 2023 - Nhận diện và hành động của Doanh nhân trẻ” diễn ra vào đầu năm ngoái, khi đưa ra nhận định về nền kinh tế trong năm 2023, Shark Phú đã phân tích và chỉ ra hệ số nhân tiền thấp khiến lượng tiền giảm và "nền kinh tế co lại".
Theo Shark Phú, khó khăn chung sẽ diễn ra với các ngành: tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản,... giống giai đoạn năm 2011- 2012. Nhưng, theo ông Phú lần này khó khăn sẽ kéo dài hơn, do tác động khủng hoảng toàn cầu.
Theo phân tích của Shark Phú, tình hình khó khăn chung với các ngành sẽ diễn ra trong quý I, II và lùi sâu hơn với Bất động sản. Sau đó đến ngân hàng.
Với ngành ngân hàng, ông chủ Sunhouse nhận định: "Ngân hàng chắc chắn cuối năm nay (2023) và đầu năm sau (2024) sẽ gặp vấn đề. Khi nợ không trả được thì ông ngân hàng chết chứ gì nữa? Bây giờ thì ngân hàng vẫn lãi đấy, vì lãi ngân hàng rất cao, nhưng khi các khoản không trả được thì ngân hàng phải trích lập dự phòng..."
Cùng chung quan điểm với ông Nguyễn Xuân Phú, nhiều chuyên gia khác cũng có chung nhận định. Ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền (tháng 3/2023) rằng năm 2023 sẽ là một năm kinh doanh khó khăn với ngành ngân hàng vì những vấn đề xoay quanh nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản.
Tại talkshow "Cập nhật vĩ mô tháng 3/2023", ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng nhiều khả năng ngành ngân hàng sẽ gặp khó khăn vì tín dụng tăng trưởng tương đối thấp.
"Năm 2023, một vài đơn vị dự phóng lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng trưởng 5-10%. Nhưng, tôi cho rằng những con số dự phóng này vẫn hơi tích cực bởi 2022 là một năm mà lợi nhuận của các ngân hàng nhìn chung khá cao. Do đó, năm 2023, để ngân hàng tăng trưởng khoảng 10% là hơi khó.
Hay nói cách khác, năm 2023 sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tương đối tiêu cực chứ không tích cực như một số dự phóng cập nhật đến thời điểm hiện tại. Bởi những nhóm ngành dẫn dắt thị trường chính như ngân hàng, bất động sản sẽ rất khó khăn trong 2023, đỉnh điểm sẽ rơi vào quý I và giảm dần vào quý III, quý IV," ông Báu cho hay.
Xô đổ mọi nhận định kém lạc quan, lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận nhóm Big4 ngân hàng (bao gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank) vượt mốc 1 tỷ USD
Tuy vậy, kết quả kinh doanh mới công bố vừa qua của một số ngân hàng lại đang cho thấy diễn biến không như dự đoán của nhiều người. Dù kinh tế khó khăn nhưng một số ngân hàng có lợi nhuận tăng mạnh.
Theo kết quả kinh doanh mới công bố gần đây, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ trong năm 2023 ở mức cao nhất hệ thống, hơn 40.400 tỷ đồng. Kết thúc năm 2023, huy động vốn thị trường I của Vietcombank đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022.
BIDV xếp ở vị trí thứ hai với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 đạt 26.750 tỷ đồng tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến cuối 2023, tổng tài sản BIDV đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%; dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%.
Agribank ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm đạt khoảng 25.400 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,4%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
VietinBank xếp ở vị trí cuối bảng trong nhóm Big4 khi xét về lợi nhuận khi đạt 22.500 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của VietinBank tăng 13,7%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27%.
Ngoài ra, cũng không bất ngờ nếu một số ngân hàng lớn trong hệ thống ngân hàng tư nhân với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm tích cực như ACB, MB, Techcombank, VPbank,... hoàn thành hoặc vượt kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Không chỉ con số lợi nhuận, BIG4 ngân hàng cũng gây bất ngờ về chất lượng tài sản, với tỷ lệ nợ xấu đồng loạt giảm mạnh trong quý cuối cùng của năm.
Tại Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, kết thúc tháng 12/2023, chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỷ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Ngân hàng VietinBank cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh trong quý 4/2023, thậm chí còn xuống mức thấp hơn cuối năm 2022. Cụ thể, nhà băng này cho biết tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 chỉ còn 1,12%.
Tỷ lệ nợ xấu tại BIDV cũng có chuyển biến tích cực. Nếu như cuối tháng 9/2023, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng này ở mức 1,6% và tỷ lệ nợ xấu tính theo Thông tư 11 là 1,29% thì đến tháng 12/2023, tỷ lệ nợ xấu tính theo TT 11 chỉ còn 1,1%.
Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của Agribank cũng không tăng mạnh trong năm 2023, duy trì dưới mức 2%.
Trọng Nghĩa