Ngày 3/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án đối với 48 bị cáo có kháng cáo trong đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 1).
Theo đó, HĐXX phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 16 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, tiếp tục buộc bị cáo Lan phải có trách nhiệm bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022, tương đương số tiền là 673.800 tỷ đồng.
Đối với tài sản 21-21A Trần Cao Vân, HĐXX xét thấy về bản chất, tài sản này là của bà Trương Mỹ Lan nên việc kê biên để đảm bảo thi hành án cho bị cáo là phù hợp.
Với 5.000 tỷ đồng tiền tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng SCB mà bị cáo Lan yêu cầu trả lại để nộp vào thi hành án, theo HĐXX, văn bản của SCB đã xác nhận hoàn thành việc tăng vốn vào cuối năm 2021, tiền đã hòa vào hoạt động chung của ngân hàng.
HĐXX cũng không chấp nhận yêu cầu xin miễn hơn 673 tỷ đồng án phí của bị cáo Lan; đồng thời chuyển toàn bộ số tiền các bị cáo nộp khắc phục hậu quả cho Ngân hàng SCB để khấu trừ nghĩa vụ của bị cáo này.
HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi hoàn cho Ngân hàng SCB 673.000 tỷ đồng; giao Ngân hàng SCB phối hợp với thi hành án xử lý 1.121 mã tài sản đảm bảo cho 1.243 khoản vay; tiếp tục kê biên với 658 mã tài sản do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu; tiếp tục kê biên các bất động sản, du thuyền của bị cáo Trương Mỹ Lan.
HĐXX cũng thông báo bị cáo Trương Mỹ Lan được quyền gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước trong thời hạn 7 ngày khi bản án có hiệu lực. Nếu bị cáo tích cực hợp tác, khắc phục được 3/4 hậu quả sẽ được chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân.
Theo HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có hàng loạt công ty, trong đó có nhiều công ty lớn đều do Trương Mỹ Lan làm chủ, hoạt động theo mô hình tập đoàn, trong đó Công ty cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát là trung tâm.
Để có nguồn vốn hoạt động tập đoàn, bị cáo Trương Mỹ Lan đã lợi dụng việc huy động vốn thông qua hình thức hoạt động của ngân hàng, từ đó mua cổ phần của 3 ngân hàng trước khi hợp nhất.
Cụ thể, từ cuối năm 2011, bị cáo Trương Mỹ Lan đã nắm giữ 81,43% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) thông qua việc nhờ 32 cổ đông đứng tên; nhờ 36 cổ đông đứng tên 98,74% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và sở hữu 80,46% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương hợp nhất 3 ngân hàng trên với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từ ngày 1/1/2012, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của SCB. Sau đó, bị cáo Lan tiếp tục mua cổ phần, trực tiếp và cho người thân đứng tên cổ phần tại SCB, tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại SCB lên hơn 91,5%.
Theo HĐXX, dù không nắm giữ bất cứ chức vụ nào tại SCB, nhưng lợi dụng việc nắm giữ gần như tuyệt đối cổ phần tại SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương, tự bố trí các nhân sự chủ chốt tại SCB và chỉ đạo các đồng phạm thực hiện hành vi tạo lập các hồ sơ vay vốn khống, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, nhằm rút tiền của SCB để phục vụ nhiều mục đích khác nhau, gây thiệt hại cho SCB hơn 670.000 tỷ đồng.
Theo HĐXX, đủ cơ sở xác định bị cáo Lan là chủ thể của tội Tham ô tài sản.
Bị cáo Trương Mỹ Lan đã cùng lúc thực hiện nhiều hành vi phạm tội, trong một thời gian dài. Việc truy tố bị cáo Lan về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (xảy ra trước ngày 1/1/2018) và tội Tham ô tài sản (xảy ra sau ngày 1/1/2018) là phù hợp, đúng quy định pháp luật.
HĐXX cũng không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên mức án chung thân về tội "Nhận hối lộ" đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn.
Bên cạnh đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), giảm từ 19 xuống còn 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", chung thân về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là chung thân.
Đối với bị cáo Chu Lập Cơ, HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm từ 9 xuống còn 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Các bị cáo khác được chấp nhận kháng cáo là Trương Huệ Vân - giảm từ 17 còn 13 năm tù; Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) - từ 18 xuống còn 17 năm tù; Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) - từ 16 xuống còn 15 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Capella) được HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm từ 8 xuống còn 6 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Bị cáo Trần Thị Kim Chi được giảm từ 4 năm tù giam xuống còn 3 năm tù cho hưởng án treo.
39 bị cáo còn lại cũng được giảm từ 3 tháng tới 3 năm tù.
Hoàng Lam (t/h)
Hà Thị Lưu Luyến
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/y-an-tu-hinh-truong-my-lan-nguyen-cao-tri-va-mot-so-bi-cao-duoc-giam-an-20524120314223663.htm