PV Drilling (PVD) tăng 230% lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2024, ước đạt 200 tỷ đồng
Kết quả này là nhờ các giàn khoan sở hữu hoạt động toàn thời gian trong suốt quý 1/2024 với đơn giá cho thuê giàn khoan tăng khoảng 34% so với cùng kỳ.
Theo thông tin từ Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD), tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2024, công ty ước đạt gần 1.700 tỷ đồng doanh thu và trên 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng trên 35% và trên 230% so với cùng kỳ.
So với quý 4/2023, lợi nhuận trước thuế của công ty giảm 20 tỷ, tương đương 10%.
Kết quả này là nhờ các giàn khoan sở hữu hoạt động toàn thời gian trong suốt quý 1/2024 với đơn giá cho thuê giàn khoan tăng khoảng 34% so với cùng kỳ. Hiện tất cả các giàn khoan của PV Drilling đang cung cấp dịch vụ tại thị trường nước ngoài, cụ thể giàn tự nâng PV DRILLING I, PV DRILLING III và PV DRILLING VI hoạt động tại Malaysia; giàn tự nâng PV DRILLING II cung cấp dịch vụ tại Indonesia; giàn khoan nước sâu TAD - PV DRILLING V khoan tại Brunei và giàn khoan đất liền PV DRILLING 11 hoạt động tại Algeria.
PVD cho biết, thị trường dầu khí thế giới tiếp tục được đánh giá lạc quan trong thời gian tới. Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) tháng 4/2024 đưa ra mức giá trung bình của dầu thô Brent cho cả năm 2024 đạt 89USD/thùng. Về ngắn hạn, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì ở mức 90USD/thùng trong quý 2/2024 với ước tính lượng dầu tồn kho sẽ giảm mạnh. Giá dầu duy trì ở mức cao là động lực lớn cho hoạt động khoan thăm dò khai thác diễn ra sôi nổi và đẩy nhu cầu giàn khoan tăng cao.
Thị trường khoan trong nước cũng đang ấm dần lên khi nhiều chương trình khoan được lên kế hoạch triển khai như chương trình khoan dài hạn của Vietsovpetro ở mỏ Cá Tầm, các giếng Lạc Đà Vàng của Murphy Oil, chương trình khoan PTM STT-2B, khoan thẩm lượng và phát triển mỏ DHN và các chương trình khoan ngắn hạn của Hoàng Long - Hoàn Vũ JOC, JVPC, SK Earthon, ENI...
Đặc biệt các hoạt động liên quan đến Lô B - Ô Môn đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tích cực triển khai. Lô B - Ô Môn là dự án có quy mô lớn với tổng đầu tư lên đến gần 12 tỷ đô la Mỹ. Dự kiến, các chương trình khoan thuộc dự án Lô B - Ô Môn sẽ được triển khai từ năm 2025.
Xét riêng về giàn khoan tự nâng đa năng, tại khu vực Đông Nam Á, S&P Petrodata dự báo nhu cầu giàn tự nâng trung bình sẽ ở mức 37 giàn vào năm 2024 và dự kiến tăng lên 38,6 giàn vào năm 2025. Số lượng đơn khảo sát tìm giàn khoan cho năm 2024 và 2025 tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đều liên tục tăng.
Trong khi đó, số lượng các giàn khoan tự nâng trong khu vực khá hạn chế và thị trường không ghi nhận nhiều giàn khoan đóng mới được đưa vào hoạt động. Tình trạng này sẽ thúc đẩy hiệu suất sử dụng giàn khoan cũng như nâng đơn giá thuê giàn lên một mặt bằng mới cao hơn.
PVD đánh giá đây là cơ hội việc làm lớn cho các nhà thầu khoan và cũng là thời điểm tốt để PV Drilling quyết định việc đầu tư hoặc hợp tác với các đối tác để thuê thêm giàn khoan và các thiết bị cần thiết phục vụ các chương trình khoan của khách hàng.
Ngày 28/3/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng các đối tác đã ký kết một số thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn, góp phần đảm bảo tiến độ chung cho toàn chuỗi dự án và tiến tới Quyết định Đầu tư cuối cùng (FID). Bên cạnh các hợp đồng cơ bản như Hợp đồng Mua bán khí (GSPA), Hợp đồng Vận chuyển khí (GTA), Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA), dự án cũng đã có Hợp đồng bán khí Lô B (GSA) giữa bên bán là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với bên mua là Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Ô Môn I).
Theo đánh giá của CTCK MBS, PVD có thể tham gia vào giai đoạn đầu của dự án từ năm 2025 và khoan các giếng khai thác bổ sung vào giai đoạn sau của dự án.