Quận lớn nhất Việt Nam có một chỉ tiêu kinh tế tăng 44 lần sau thành lập, sẽ xây thêm cầu và hàng chục con đường tỉnh, đường sắt đô thị mới
Đây là quận có diện tích lớn nhất trong 49 quận cả nước, gấp 31 lần diện tích quận nhỏ nhất là quận 4 (TP HCM).
Quận lớn nhất Việt Nam
Ô Môn là một trong 5 quận của Cần Thơ, rộng hơn 130 km2, được thành lập năm 2004 trên cơ sở tách ra từ huyện Ô Môn thành quận Ô Môn và huyện Cờ Đỏ từ năm 2004. Đây là quận có diện tích lớn nhất trong 49 quận cả nước, gấp 31 lần diện tích quận nhỏ nhất là quận 4 (TP HCM).
Tiền thân là một huyện nông nghiệp, những năm gần đây, địa phương đã và đang phát triển thành một quận công nghiệp, đô thị công nghệ cao. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế quận Ô Môn tăng bình quân 8,9%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 65,46%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 31,32% và khu vực nông nghiệp - thủy sản chiếm 3,22%.
Tính đến cuối năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của quận đạt 26.787 tỷ đồng, tăng 64 lần so với năm 2004. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, với đa dạng các loại hình kinh doanh. Hiện quận có 10.134 cơ sở thương mại - dịch vụ, tạo việc làm cho 18.971 người lao động.
Riêng năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của quận lớn nhất Việt Nam này là 116 triệu đồng/người/năm (tăng 15 lần so với năm 2004). Ngoài ra, một chỉ tiêu đáng chú ý khác là việc huy động các nguồn lực chăm lo an sinh xã hội và đầu tư phát triển năm 2023 đạt 17.080 tỷ đồng (tăng 43,9 lần so với năm 2004). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 đạt 127 tỷ đồng (năm 2004 là 62 tỷ đồng).
Năm 2023, trên địa bàn có nhiều công trình trọng điểm được đầu tư: dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 đến quốc lộ 61C); dự án Xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923 và nhiều dự án khác.
Ô Môn còn huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các dự án, công trình trọng điểm có quy mô lớn, như Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1, khu công nghiệp Trà Nóc 2, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc… từ đó, giúp cho Ô Môn phát triển công nghiệp đô thị theo đúng định hướng.
Sẽ sở hữu mạng lưới giao thông dày đặc
Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, phấn đấu đến năm 2045, Ô Môn trở thành Trung tâm Công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ chất lượng cao, đô thị hiện đại của TP Cần Thơ và của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Trước đó, theo quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một phần diện tích của quận lớn nhất Việt Nam này là vùng đô thị phát triển mật độ cao. Phát huy kết nối sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ để thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.Phần còn lại xác định là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía Bắc với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng, thương mại, dịch vụ, logistics.
Đáng chú ý, trong tương lai, mạng lưới giao thông của quận này sẽ dày đặc. Bởi trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, quận Ô Môn sẽ được xây dựng mới tuyến đường liên tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) và cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu nối tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời làm hàng loạt các tuyến đường tỉnh qua quận như 917B, Đường tỉnh 917C, 920, 920C, 920D, 922, 922B, 923.
Ngoài ra là nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 91 đoạn Km0 - Km7 trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C (đoạn trên địa bàn thành phố Cần Thơ).
Đáng chú ý, quận Ô Môn sẽ là nơi đi qua của một tuyến đường sắt đô thị và hệ thống nhà ga có hướng tuyến cơ bản bám theo quốc lộ 91B và quốc lộ Nam Sông Hậu. Đồng thời có tuyến xe điện đi trên mặt đất trên các tuyến đường đô thị khi đủ điều kiện cho phép.
Về đường thuỷ, dự kiến TP sẽ phát triển thêm các tuyến đường thuỷ qua sông Trà Nóc, kênh Xáng Ô Môn, Kênh Đứng, Cụm cảng thủy nội địa hàng hóa trên sông Hậu, sông Ô Môn,...