Quản lý Tài sản Trí Việt lỗ ròng năm 2022 tăng 2,3 lần sau kiểm toán
Tại BCTC năm 2022 đã kiểm toán, Quản lý Tài sản Trí Việt ghi nhận lỗ ròng tới gần 887 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với báo cáo tự lập.
CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (MCK: TVC, sàn HNX) vừa công bố báo cáo kiểm toán 2022 với mức lỗ tăng lên đáng kể so báo cáo tự lập.
Cụ thể, sau kiểm toán, Quản lý Tài sản Trí Việt ghi nhận doanh thu thuần 152,6 tỷ đồng giống như báo cáo tự lập. Tuy nhiên, nhiều thông số khác có sự chênh lệch, điển hình là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt gần 9 lần lên 570,3 tỷ đồng so báo cáo tự lập. Chi phí tài chính không thay đổi ở mức 472,5 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là hơn 48 tỷ đồng.
Trừ đi chi phí, TVC lỗ ròng tới gần 887 tỷ đồng, mức lỗ đậm hơn so mức gần 380 tỷ đồng của báo cáo tự lập. Qua đó, lỗ lũy kế ghi nhận 234 tỷ đồng trong khi báo cáo tự lập ghi nhận dương 121,7 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của TVC giảm mạnh 55,5% so đầu năm, xuống còn 1.737 tỷ đồng. Trong đó, phải kể tới dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng vọt từ 10 tỷ lên 517 tỷ đồng; đầu tư tài chính giảm 32% nhưng khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh vọt từ 16,5 tỷ đồng lên 375,4 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng không còn ghi nhận trong khi đầu năm vẫn còn 460 tỷ đồng.
Về khoản nợ, tổng nợ phải trả là 219,6 tỷ đồng, trong đó chỉ còn vay nợ tài chính ngắn hạn gần 162 tỷ đồng, còn dài hạn không phát sinh.
Về danh mục đầu tư chứng khoán của TVC ghi nhận giá trị ghi sổ 1.301 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu HPG chiếm nhiều nhất tới 897,4 tỷ đồng, FPT ở mức 289,4 tỷ đồng, MWG 70,2 tỷ đồng, còn lại các mã khác. Đáng nói, TVC đã phải dự phòng tới 358 tỷ cho HPG, 4,8 tỷ cho FPT và 3 tỷ cho MWG, các cổ phiếu khác là gần 9 tỷ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 24/6, ban lãnh đạo TVC lý giải về việc cổ phiếu HPG chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư. Theo đó, TVC nêu quan điểm đầu tư HPG là dài hạn và kỳ vọng lợi nhuận trung bình 25-30%/năm. Ban lãnh đạo đánh giá HPG hiện tại cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực so với quý III và IV/2022 với việc biên lợi nhuận gộp cải thiện và không còn chịu tổn thất lớn do chênh lệch tỷ giá.
Tại thời điểm cuối năm 2022, cổ đông lớn của TVC là Công ty TNHH MTV Tùng Trí Việt (13,51%) và ông Phạm Thanh Tùng (7,07%).
Báo cáo tài chính hợp nhất 2022 của TVC ghi nhận ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán. Cụ thể, trong số dư khoản phải thu khách hàng tại ngày 31/12/2022 bao gồm các khoản phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư với các đối tác bên ngoài số tiền khoảng gần 273 tỷ đồng, khoản phải thu theo hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu cho cá nhân số tiền 50,16 tỷ đồng, khoản phải thu theo hợp đồng môi giới chứng khoán gần 480,69 tỷ đồng.
Số dự phòng tổn thất được trích lập cho môt số khoản phải thu nên trên gần 507 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ khoảng 70%. Một số khoản phải thu của các cá nhân không được trích lập dự phòng dựa trên cam kết thanh toán của các cá nhân này. Tổng giá trị thuần của các khoản phải thu này là gần 297 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được các bằng chứng kiểm toán hiện hữu để đánh giá mục đích, đối tượng tham gia và giá trị còn lại của các khoản nợ phải thu và giá trị dự phòng tổn thất cần trích lập, cũng không đánh giá được ảnh hưởng của các chỉ tiêu này trên BCTC ngày 31/12/2022.
Được biết, đại hội cổ đông vừa qua đã thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023 của TVC với tổng doanh thu 112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng. Kế hoạch này ghi nhận giảm phân nửa về doanh thu nhưng mức lợi nhuận lạc quan hơn nhiều so với năm 2022. Hiện cổ phiếu TVC đang bị hạn chế giao dịch.