Quên mỹ phẩm, quần áo và đồ chơi giá rẻ đi, đây mới là top 10 mặt hàng xuất khẩu bùng nổ nhất của Trung Quốc trong năm 2023
Một phần là nhờ sự trỗi dậy của 'bốn con rồng thương mại điện tử xuyên biên giới' Trung Quốc: Temu, TikTok Shop, SHEIN và AliExpress.
Trước đây, Trung Quốc từng nổi tiếng trên thị trường nước ngoài với các mặt hàng như mỹ phẩm, quần áo và đồ chơi giá rẻ. Nhưng trong năm 2023, các công ty Trung Quốc không chỉ đẩy mạnh quá trình vươn ra quốc tế mà còn theo đuổi những mặt hàng “xịn” hơn, với giá cao hơn và ở những thị trường khó tính hơn.
Năm 2023 được coi là năm đầu tiên mà “bốn con rồng thương mại điện tử xuyên biên giới” của Trung Quốc bao gồm Temu, TikTok Shop, AliExpress và SHEIN đồng loạt trỗi dậy. Các nền tảng này đã mở đường cho hàng hóa Trung Quốc đến với thị trường nước ngoài một cách thuận lợi hơn. Top mười mặt hàng Trung Quốc “làm mưa làm gió” nhiều nhất năm 2023 thuộc ba nhóm chính như sau.
Nhóm một: đồ gia dụng (điều hòa, tủ lạnh, robot lau dọn nhà thông minh và thiết bị nhỏ)
Hàng gia dụng Trung Quốc đang tăng độ phủ mạnh mẽ tại châu Âu và Bắc Mỹ. Thậm chí, các công ty của Trung Quốc còn có doanh thu xuất khẩu tốt hơn cả doanh thu nội địa. Nguyên nhân chính là sự bùng phát của COVID-19 vào năm 2020 đã đẩy nhanh quá trình trực tuyến hóa ngành thiết bị gia dụng toàn cầu và thay đổi mô hình kênh phân phối ở các thị trường nước ngoài vốn trước đây chủ yếu là ngoại tuyến.
Tại châu Âu, nhu cầu về tủ lạnh và máy giặt tăng đáng kể. Những thương hiệu như Haier Smart Home và Midea đã gây áp lực trực tiếp cho các hãng trong khu vực như Electrolux của Thụy Điển.
Trong số các sản phẩm đồ gia dụng thông minh, thiết bị làm sạch là bán bán chạy nhất. Cụ thể, robot hút bụi của Roborock đang rất bán chạy ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương; robot lau nhà của Ecovacs tăng thị phần nhanh chóng tại Mỹ; robot cắt cỏ của Ninebot cũng đang “nổi rần rần” ở châu Âu.
Ngoài ra, nhờ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như TikTok Shop, Temu, vân vân, các thiết bị nhỏ (máy ép trái cây, nồi chiên không dầu, bàn chải răng điện, quạt cầm tay,...) đang trở thành nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Trung Quốc. Trong đó Supor, Bear Electric và Delma là những thương hiệu dẫn đầu. Dữ liệu từ Orient Securities cho thấy, trong tháng 11 năm 2023, doanh số bán thiết bị nhà bếp nhỏ trên Temu đạt 766.000 chiếc, doanh số lên tới 3,33 triệu USD, còn doanh số các thiết bị chăm sóc cá nhân nhỏ là hơn 6,73 triệu USD. Những sản phẩm dưới 10 USD là bán chạy nhất. Doanh số thiết bị gia dụng nhỏ của TikTok Shop tuy không bằng Temu nhưng giá trung bình ở đây lại cao hơn, dao động từ 50 đến 100 USD/sản phẩm.
Nhóm hai: thiết bị năng lượng và an ninh gia đình (camera thông minh, khóa cửa thông minh, cảm biến thông minh và các nguồn điện di động)
Các công ty đại diện cho nhóm thiết bị an ninh gia đình của Trung Quốc bao gồm EZVIZ, TP-Link, tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ và châu Âu.
Giống với đồ gia dụng, doanh số xuất khẩu các mặt hàng này cũng cao hơn doanh số nội địa ở Trung Quốc. Nguyên nhân chính là vì người tiêu dùng ở các nước phát triển có nhu cầu cao hơn về an ninh gia đình. Mỹ là một thị trường lớn cho các thiết bị an ninh và bảo mật, nơi quyền riêng tư cá nhân rất được người tiêu dùng lưu tâm nhưng lại chưa có công ty nào độc quyền hay lấn át hẳn.
Nguồn điện di động ở đây bao gồm pin mặt trời, nguồn điện xách tay ngoài trời, nguồn điện khẩn cấp cho gia đình. Dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu lưu trữ năng lượng di động ngoài trời và khẩn cấp tăng nhanh. Theo truyền thông Trung Quốc, gần 40% các thiết bị nguồn điện di động trên thế giới đều được sản xuất bởi Trung Quốc do nhiều khu vực nước này hay xảy ra động đất. Tuy thế, 90% thị trường của các công ty Trung Quốc lại nằm ở nước ngoài. Các sản phẩm đến từ Trung Quốc thậm chí còn “lấn sân” cả ở Nhật Bản.
Hầu hết các công ty nguồn điện di động Trung Quốc đều khởi đầu từ việc sản xuất pin sạc dự phòng ODM. Trong giai đoạn đầu, họ không có năng lực R&D và sản xuất độc lập mà chủ yếu dựa vào cạnh tranh giá thấp. Ở giai đoạn sau, khi đã có lợi thế về tài chính và kỹ thuật, họ mới bắt đầu tham gia vào thị trường thiết bị nguồn điện di động cỡ vừa và nhỏ.
Nhóm ba: phương tiện đi lại (xe hai bánh điện và ô tô năng lượng mới)
Xu hướng chuyển sang xe đạp điện ở Mỹ, Nhật và châu Âu là một trong những động lực chính để các công ty Trung Quốc như Yadi Holdings, Emma Technology, Maverick Electric đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là xu hướng mới của những năm gần đây nên cơ cấu thị trường ở nhiều nước chưa hình thành rõ ràng và chưa có công ty nào chiếm thị phần trên 10%. Ở các nước này, người ta mua xe đạp điện vì nhu cầu bảo vệ môi trường và rèn luyện sức khỏe. Giá xe đạp điện vốn dao động từ 1.000 USD đến 3.000 USD/chiếc. Nhưng những năm gần đây, chính sách trợ giá của chính phủ châu Âu và Mỹ dành cho xe đạp điện đã khiến phương tiện này trở nên hấp dẫn hơn. Tuy vẫn được coi là đắt nhưng mức tiêu thụ xe đạp điện ở ba thị trường này vẫn là cao nhất.
Còn nói về ô tô năng lượng mới, dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Trung Quốc cho thấy từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2023, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đạt xấp xỉ 3,922 triệu chiếc, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bao gồm 995.000 chiếc xe năng lượng mới, tăng 99,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Châu Âu đã trở thành thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất của Trung Quốc. BYD, NIO, Xpeng, ... đều đang tích cực phát triển tại đây. Dữ liệu cho thấy vào năm 2022, sản lượng xuất khẩu của các hãng ô tô Trung Quốc từ thị trường Trung Quốc sang thị trường châu Âu là vào khoảng 200.000 xe và đến năm 2025 sản lượng xuất khẩu sẽ vượt 600.000 xe.
Sự bùng nổ của các mặt hàng này cho thấy chuỗi sản xuất và cung ứng của Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, đồng thời đánh dấu sự thay đổi của đất nước tỉ dân từ việc gia công thương mại, xuất khẩu hàng giá rẻ ra nước ngoài, chuyển sang xuất khẩu công nghệ và các sản phẩm thông minh.
Tham khảo từ: Net Ease