Quét mã QR thanh toán tiền hàng vì tiện lợi, người dùng "bay sạch" tiền trong tài khoản bởi chiêu trò này

Thanh toán quét mã QR hiện là một trong những hình thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam. Thế nhưng, không ít khách hàng "bay" tiền tài khoản chỉ bởi chiêu trò của kẻ gian.

Quét mã QR thanh toán tiền hàng vì tiện lợi, người dùng "bay sạch" tài khoản bởi chiêu trò này - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Mất tiền vì chiêu trò lừa đảo

Không cần nhập tên ngân hàng, số tài khoản như trước,… người dùng chỉ cần thao tác quét mã QR đã có thể nhanh chóng cập nhật thông tin đầy đủ của người nhận tiền chỉ trong vài giây. Quá trình chuyển khoản cũng diễn ra nhanh chóng.

Thế nhưng, đi kèm với sự tiện lợi của hình thức thanh toán này, nhiều chiêu trò tinh vi lừa đảo quét mã QR xuất hiện.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Nhàn (Hải Dương) nhận được gói hàng trị giá 0 đồng. Theo thông tin trong bưu phẩm, người nhận đã trúng thưởng một món quà dịp Tết. Nhưng để nhận được giải thưởng, khách hàng phải quét mã QR code để thanh toán một khoản tiền lệ phí. Tiếp tục thực hiện giao dịch, tài khoản ngân hàng của chị Nhàn bị hack. Cũng may tài khoản của chị chỉ có 200 nghìn đồng nên gần như không thiệt hại.

Cũng bởi lợi dụng sự tiện lợi của hình thức quét mã QR, nhiều người mua hàng bị "sập bẫy". Cụ thể, chị Trần Thu Quỳnh (Hà Nội) chia sẻ, trước đó, chị nhận được đơn hàng thanh toán. Phía shipper yêu cầu thanh toán quét mã QR. Do không chú ý, chỉ kiểm tra thông tin người gửi, chị Quỳnh đã thao tác thực hiện chuyển khoản. Đến cuối ngày,khi kiểm tra số dư và tra soát giao dịch, chị Quỳnh mới phát hiện ra đã thanh toán tiền hàng 3 triệu đồng cho shipper, trong khi số tiền hàng thực tế chỉ 300.000 đồng. Khi liên hệ với shipper, số điện thoại đã không thể liên lạc.

Theo chị Quỳnh, thông thường, nhân viên văn phòng thường xuyên đặt hàng trên mạng. Mỗi khi xuống nhận hàng, người mua nhanh chóng quét mã QR chuyển khoản. Mã QR cho phép người nhận tiền cài đặt luôn số tiền cần phải thanh toán. Nếu không để ý, người nhận hàng thực hiện giao dịch lệnh và vô tình thanh toán số tiền lớn hơn số tiền hàng.

Một hình thức lừa đảo khác thông qua quét mã QR thanh toán cũng đang được cảnh báo. Hiện nay, nhiều cửa hàng thường đặt các mã QR được in và đóng khung đặt trên quầy để khách quét và thanh toán tiền. Một số nơi còn sao thành nhiều bản, dán tại các khu vực trong cửa hàng.

Lợi dụng sơ hở, kẻ gian đã in mã QR có tài khoản ngân hàng của đối tượng này, sau đó dán đè lên mã QR của cửa hàng, nhà hàng hoặc điểm thanh toán khác. Khách hàng sau khi mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ sẽ quét mã QR để trả tiền cho chủ cửa hàng, nhưng thực chất là tiền được chuyển vào tài khoản của kẻ lừa đảo qua mã QR giả mạo.

Cẩn trọng kiểm tra thông tin

Theo các chuyên gia an ninh mạng, thanh toán qua mã quét QR ngày càng phổ biến bởi sự tiện lợi, nhanh chóng. Mã QR chỉ được hiển thị nội dung thông qua máy quét chuyên dụng hoặc camera điện thoại. Mắt người không thể đọc được nội dung của mã và khó phân biệt được các mã QR khác nhau. Ưu điểm của loại hình này giúp người dùng cập nhật thông tin hiện hữu mà không cần gõ lại.

Song, lợi dụng điều này, kẻ lừa đảo mã hoá đường link hoặc số tài khoản giả mạo mã QR. Trường hợp người dùng không để ý, họ chuyển tiền tới số tài khoản giả mạo mà không hay biết.

Ông Vũ Ngọc Sơn, chuyên gia an ninh mạng cho rằng, mã QR không phải mã độc tấn công trực tiếp mà chỉ là trung gian để truyền tải nội dung. Thế nên, người dùng chỉ cần cẩn trọng chú ý, kiểm tra lại thông tin người nhận tiền và số tiền.

Song, ông Sơn cảnh báo vô tình quét phải mã QR độc hại mà không có hàng rào bảo vệ, tài khoản người dùng có thể bị tấn công ngay lập tức. Trong mọi trường hợp, vị này khuyến cáo người dùng cẩn trọng khi quét mã QR.

Đức Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT