Quốc gia giàu hàng đầu Đông Nam Á phải nhập khẩu năng lượng từ láng giềng, có thể có dự án của Việt Nam

Chiến lược Hydrogen Quốc gia của Singapore kêu gọi sử dụng năng lượng hydro như một "con đường khử carbon chính" để giúp nước này đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050.

Khi phần lớn thế giới đang chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Singapore đang phải đối mặt với một câu hỏi lớn về việc đầu tư vào năng lượng hydro. Singapore đang đặt nhiều hy vọng vào việc sản xuất hydro để giúp hạn chế khí thải, nhưng vẫn đang có cuộc tranh luận về loại hydro mà họ sẽ sử dụng.

Gốc rễ của vấn đề nằm ở loại nhiên liệu mà Singapore lựa chọn cho ngành điện của mình. Khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 95% nhiên liệu cần thiết để sản xuất điện. Năng lượng tái tạo chỉ chiếm chưa đến 3% cơ cấu năng lượng của Singapore. Chỉ vài năm trước, khí đốt được coi là "nhiên liệu sạch" nhưng nghiên cứu hiện nay cho thấy điều ngược lại.

Khí đốt, khi được sử dụng cho ngành điện, vẫn thải ra ít nhất một nửa lượng khí thải carbon dioxide so với than. Lượng khí thải có hại từ các dự án điện chạy bằng khí đốt cũng gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Nhưng thiệt hại không dừng lại ở đó. Nhiên liệu này cũng có vấn đề rò rỉ khí mê-tan trên toàn bộ chuỗi giá trị khí đốt, từ khai thác đến sản xuất, đến vận chuyển dọc theo đường ống hoặc bằng tàu chở hàng trên biển, tại các nhà máy điện và cuối cùng là người dùng cuối. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, khí mê-tan tác động đến hiện tượng nóng lên toàn cầu mạnh hơn carbon dioxide gấp 25 lần. Đáng chú ý, khoảng 40% lượng khí thải của Singapore đến từ ngành điện.

Singapore đã xây dựng Chiến lược Hydrogen Quốc gia vào năm 2022 để giúp bù đắp sự phụ thuộc quá mức vào khí đốt. Kế hoạch này kêu gọi sử dụng hydro carbon thấp như một "con đường khử carbon chính" để giúp nước này đạt được mục tiêu net zero vào năm 2050.

Tuy nhiên, chiến lược này không rõ ràng: hydro sạch là xanh lá (green hydrogen) hay xanh dương (blue hydrogen). Hydro xanh lá được sản xuất bằng năng lượng tái tạo và không thải ra carbon dioxide, trong khi hydro xanh dương được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là khí đốt và có lượng khí thải đáng kể. Sự mơ hồ về vấn đề này đã dẫn đến các ý kiến chỉ trích từ các nhà phân tích và các tập đoàn môi trường trong và ngoài nước.

Singapore đang xem xét công nghệ lưu trữ thu giữ carbon (CCS) để giải quyết vấn đề khí thải từ quá trình sản xuất hydro xanh dương. Tuy nhiên, việc phát triển CCS ngày càng bị coi là một phần của câu chuyện sai lệch về việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Các vấn đề với công nghệ này ngày càng gia tăng. Công nghệ này tiêu tốn nhiều năng lượng, có lịch sử hủy dự án không đáng tin cậy và đội vốn, trong khi hầu hết các cơ sở CCS đang hoạt động đều không đạt được mục tiêu giảm phát thải tương ứng. Các dự án CCS, thu giữ và lưu trữ carbon dioxide dưới lòng đất, cũng có thể bị rò rỉ. 

Do đó, Singapore nên tập trung nhiều hơn vào hydro xanh lá, trong khi hạn chế sản xuất và nhập khẩu hydro xanh dương trong tương lai. Tuy nhiên, hydro xanh lá là giải pháp lâu dài và vẫn có chi phí cao. 

Ngoài ra, các lựa chọn năng lượng mặt trời và gió của Singapore còn hạn chế vì diện tích đất khả dụng chỉ 709 km2, cùng với tốc độ gió thấp và mật độ đô thị cao. Do đó, thậm chí Singapore có thể không sản xuất được hydro xanh lá, ít nhất là với số lượng đủ đùng. Thay vào đó, Singapore sẽ phải dựa vào nhập khẩu hydro xanh lá, có thể trong nhiều năm nữa.

Thủy điện cũng không phải là một lựa chọn vì Singapore không có nguồn tài nguyên sông đáng kể. Tương tự như vậy, các nguồn năng lượng sáng tạo khác cũng không được đưa vào sử dụng. Năng lượng sóng không thể sử dụng được vì hầu hết bờ biển Singapore đã được sử dụng cho các cảng biển, trong khi năng lượng thủy triều cũng không khả thi vì có biên độ thủy triều thấp.

Con đường phía trước sẽ phải bao gồm nhiều thỏa thuận cung cấp năng lượng sạch hơn với các nước láng giềng. Để đạt được mục đích đó, Singapore đang thực hiện những bước đi đầu tiên với một số thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Sembcorp Utilities, một đơn vị của Sembcorp Singapore, và công ty con của PetroVietnam là PetroVietnam Technical Services Corporation, đã được Singapore đã trao giấy phép nhập khẩu điện có điều kiện cho Dự án Điện gió ngoài khơi. Nếu thỏa thuận thành công, giai đoạn đầu tiên sẽ nhập khẩu điện từ một dự án điện gió ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam.

Indonesia cũng là một nguồn năng lượng sạch đầy hứa hẹn. Vào tháng 9, Cơ quan thị trường năng lượng Singapore đã cấp phép có điều kiện cho năm công ty nhập khẩu 2 gigawatt điện carbon thấp từ Indonesia. Các dự án đang được xem xét tại Indonesia bao gồm một nhà máy điện mặt trời và các nhà máy sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng pin. Hoạt động có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm 2027.

Việc nhập khẩu điện được sản xuất sạch từ các nước láng giềng trong khu vực sẽ giúp Singapore đạt được mục tiêu phi carbon hóa cũng như tạo cho các nước xuất khẩu năng lượng tái tạo động lực và nguồn vốn để thúc đẩy các ngành năng lượng tái tạo của riêng họ. Nó cũng sẽ là cơ hội cho Đông Nam Á - vốn vẫn phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất điện từ than và khí đốt - một cách để chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Đây sẽ là tình huống đôi bên cùng có lợi cho tất cả các bên tham gia và quan trọng hơn, nó sẽ giúp Singapore quản lý được tình thế khó khăn về nguồn cung năng lượng của mình.

Theo Nikkei Asia

Nhã Mi

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT