Quốc hội đã hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thời kỳ mới

Theo Chủ tịch Quốc hội, 6 tháng đầu năm 2025 là khoảng thời gian mang đậm tính lịch sử, đất nước có sự chuyển mình rõ rệt, với nhiều dấu ấn lớn lao, toàn diện trên các mặt.

Chiều 3/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, dự kiến các nhiệm vụ trọng tâm tháng 7 và các tháng cuối năm 2025.

Khoảng thời gian mang đậm tính lịch sử

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2025 là khoảng thời gian quyết định nhiều vấn đề trọng đại của đất nước.

"Đây là khoảng thời gian mang đậm tính lịch sử, đất nước có sự chuyển mình rõ rệt, với nhiều dấu ấn lớn lao, toàn diện trên các mặt, trong đó có nhiều việc khó, mới, việc phát sinh, chưa từng có tiền lệ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Điểm lại 6 kết quả chung nổi bật khối Quốc hội đạt được trong 6 tháng qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thời kỳ mới, tập trung sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

Quốc hội đã đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy quản lý tài chính công minh bạch, hiệu quả, tạo động lực phát triển.

Quốc hội đã hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thời kỳ mới- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Quochoi.vn).

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tỉ lệ đồng thuận tuyệt đối của các ĐBQH cùng nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7.

Đây là lần đầu tiên kể từ ngày thành lập nước, Quốc hội xem xét và quyết định tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp, phản ánh tầm nhìn chiến lược mang tính kiến tạo sâu sắc và thể hiện quyết tâm đổi mới, cải cách thể chế toàn diện.

Qua 2 Kỳ họp, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc tham mưu trình Quốc hội xem xét, thông qua 38 luật, 52 nghị quyết, trong đó có 16 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến về 6 dự án luật khác - trong 2 kỳ họp Quốc hội đã thông qua số lượng luật chiếm tới 63,3% tổng số luật được ban hành tại 16 kỳ họp trước của nhiệm kỳ khóa XV.

Quốc hội cũng đã hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng các nhiệm vụ của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao về sắp xếp tổ chức, bộ máy theo Nghị quyết 18.

Tập trung dồn sức vào các nhiệm vụ trọng tâm

Lưu ý, 6 tháng còn lại năm 2025 cũng là những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, còn rất nhiều nhiệm vụ chính trị lớn, đặc biệt quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần phải tập trung dồn sức, trọng tâm là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 12,13; tổ chức Đại hội Đảng bộ Quốc hội lần thứ nhất.

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10 và các kỳ họp khác (nếu có); chuẩn bị công tác tổng kết nhiệm kỳ 2021 - 2026; công tác chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam và chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục chủ động triển khai nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trọng tâm là nhiệm vụ tại Nghị quyết 60 Hội nghị Trung ương 11, Chỉ thị 45 và Kết luận số 148, 157, 163, 169, các Nghị quyết của Bộ Chính trị thuộc nhóm "bộ tứ trụ cột".

Quốc hội đã hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thời kỳ mới- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Quochoi.vn).

"Tập trung tư duy đề xuất, thống nhất hoạch định và hành động quyết liệt để phát huy vai trò của Quốc hội là "kiến trúc sư thể chế", "trụ cột dân chủ", "đầu tàu đổi mới" và "cầu nối hội nhập quốc tế" trong kỷ nguyên mới", Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho Diễn đàn lập pháp và giám sát của Quốc hội trong thời gian tới.

Nghiên cứu, xây dựng chính sách bổ sung kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để đầu tư, nâng cấp trụ sở, xây dựng nhà công vụ, trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin và các điều kiện làm việc tạo trung tâm dịch vụ hành chính công cấp xã theo hướng hiện đại để làm việc hiệu quả hơn.

Nêu rõ, tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay mới chỉ là bước đầu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trách nhiệm của Quốc hội, trong đó vai trò của các cơ quan tham mưu phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước phù hợp với mô hình tổ chức mới.

Theo Chủ tịch Quốc hội, một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện được xây dựng trong thời gian ngắn sẽ không tránh khỏi còn một số điểm chưa thống nhất. Đề nghị HĐDT, các cơ quan Quốc hội chủ động rà soát, để cập nhật các quan điểm, chỉ đạo mới, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản cho phù hợp thực tế.

Kỳ họp thứ 9, đã thông qua 34 luật, 13 nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội theo dõi sát sao tiến độ việc triển khai các luật, nghị quyết, việc ban hành nghị định, thông tư của Chính phủ, các Bộ ngành để đảm bảo các luật, nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tới đây Quốc hội và Chính phủ sẽ phối hợp để tổ chức hội nghị triển khai các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội đã thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Chủ tịch Quốc hội cũng đã lưu ý và giao nhiệm vụ cụ thể cho Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các cơ quan của Quốc hội trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT