Quý đầu lãi mỏng, động lực nào để Everland đặt mục tiêu lãi hơn trăm tỷ năm 2024?
Năm 2024, Tập đoàn EverLand đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 51,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 109,088 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc quý I, doanh nghiệp này đạt lợi nhuân sau thuế 6,5 tỷ đồng, hoàn thành 6% kế hoạch lợi nhuận năm.
CTCP Tập đoàn EverLand (MCK: EVG) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu đạt 143,4 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm nhanh hơn giúp lãi gộp của EVG tăng 9,3%, đạt 9,4 tỷ đồng.
Trong kỳ, EVG ghi nhận doanh thu tài chính đạt 1,3 tỷ đồng và phát sinh chi phí tài chính 1,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước không ghi nhận). Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt ghi nhận ở mức 1,1 tỷ đồng và 2,8 tỷ đồng.
Kết quả, EverLand báo lãi sau thuế quý I/2024 đạt 6,5 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy mức lãi không cao, nhưng kể từ năm 2016 chưa quý nào doanh nghiệp này thua lỗ.
Trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm kết thúc quý I/2024, tổng tài sản của EVG đạt 3.844,2 tỷ đồng, tăng 243,1 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 10,2%, đạt 115,9 tỷ đồng; giá trị hàng tồn kho ghi nhận đạt 1.049,5 tỷ đồng, tăng 15,3% so với số đầu năm, chiếm 27,3% tổng tài sản.
Đáng chú ý, gần 1 nửa tài sản của EVG nằm ngoài doanh nghiệp khi các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn đạt 1.856,5 tỷ đồng, chiếm 48,3% tổng tài sản. Trong đó, khoản phải thu khác ngắn hạn lớn nhất là khoản đặt cọc 637,5 tỷ đồng với Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh để thực hiện chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh tại ô đất HH5.
Phía đối ứng, nợ phải trả của EVG tại thời điểm cuối tháng 3/2024 ghi nhận ở mức 1.204,8 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 301 tỷ đồng, tăng 47%. Nợ vay ghi nhận 628 tỷ đồng, tăng thêm 30,4 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là khoản vay dài hạn từ Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) với dư nợ 523 tỷ đồng, mục đích vay để thực hiện chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh tại ô đất HH5. Công ty không có nợ trái phiếu.
Vốn chủ sở hữu của EVG tại ngày 31/3/2024 đạt 2.639,46 tỷ đồng, bao gồm 81,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Đáng chú ý, kết quả kinh doanh quý đầu năm 2024 này có phần khởi sắc, thêm nữa, doanh nghiệp vẫn có hơn trăm tỷ tiền và các khoản tương đương tiền.
Động lực nào để Everland đặt mục tiêu lãi hơn trăm tỷ trong năm 2024?
Năm 2024, Tập đoàn EverLand đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 51,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 109,088 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với thực hiện năm 2023. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2024, doanh nghiệp này mới hoàn thành 8,7% kế hoạch doanh thu và 6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận có thể đến từ dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn (Quảng Ninh), bởi tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra vào ngày 24/4, ông Lê Đình Vinh- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn EverLand cho biết, hiện nay, dự án Crystal Holidays Habour Vân Đồn đang được tập trung đẩy mạnh thi công và bán hàng, sẽ sớm đem lại doanh thu và dòng tiền cũng như hiệu quả cho Tập đoàn.
Được biết, Dự án Crystal Holidays Habour Vân Đồn đã cơ bản hoàn thành phần móng và phần hầm, Tòa tháp A+B đã xây thô đến tầng 16. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng thi công phần thân Tòa C+D với nhà thầu và sẽ triển khai trong đầu tháng 5/2024, Tòa tháp E và Tòa tháp F đang trong quá trình hoàn thiện phần móng và phần hầm.
Về tiến độ bán hàng, hiện nay Dự án đã mở bán tòa B và tòa D, kết quả bước đầu cho thấy lượng khách hàng quan tâm khá lớn, tín hiệu bán hàng là tích cực. Theo kế hoạch dự kiến, hết tháng 9/2024 sẽ bán được 600 sản phẩm.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đồng thời triển khai một số dự án mới như: dự án Tổ hợp Thương mại, dịch vụ và Du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay (Phú Yên), dự án HH5 tại Khu đô thị Bắc An Khánh; một phần dự án Tổ hợp Đô thị - Du lịch Flower world Sa Đéc (Đồng Tháp); dự án Tổ hợp du lịch văn hóa di sản Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Ông Vinh cũng cho biết thêm, hiện, chủ đầu tư của dự án Crystal Holidays Habour Vân Đồn là công ty EverLand Vân Đồn đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu (20%) sau khi điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án. Do vậy, Tập đoàn EverLand phải góp thêm vốn vào EverLand Vân Đồn. Trong bối cảnh hiện nay việc Tập đoàn EverLand phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn là chưa phù hợp.
Do đó, Ban Lãnh đạo Công ty đã trình ĐHCĐ thông qua phương án chuyển nhượng bớt một phần cổ phần tại Công ty EverLand An Giang (hiện đang chưa sử dụng hết) để có nguồn tiền góp vốn điều lệ bổ sung vào EverLand Vân Đồn. Tại ngày 31/3/2024, Tập đoàn EverLand đang ghi nhận khoản đầu tư vào EverLand An Giang với giá gốc 550 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 554,3 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Tập đoàn EverLand sẽ chuyển nhượng 35 triệu cổ phần tại Everland An Giang, tương ứng giá trị theo mệnh giá là 350 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024.
Ngoài ra, nói về vấn đề cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát, ban lãnh đạo đánh giá là lỗi “sơ suất ngoài ý muốn” và đang nỗ lực khắc phục cơ sở của ý kiến ngoại trừ để tổ chức kiểm toán chấp thuận toàn phần báo cáo tài chính gần nhất của năm 2024, trên cơ sở Công ty sẽ đề nghị HoSE đưa cổ phiếu EVG ra khỏi diện cảnh báo.
Trước đó, cổ phiếu EVG bị đưa vào diện kiểm soát do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán hai năm liên tiếp (năm 2022, năm 2023) đối với các chỉ tiêu số dư tiền mặt và hàng tồn kho. Cơ sở của ý kiến ngoại trừ đối với các chỉ tiêu này là do tổ chức kiểm toán được bổ nhiệm sau và cách xa ngày kết thúc năm tài chính 2022 nên không thể thực hiện thủ tục chứng kiến kiểm kê tiền mặt và hàng tồn kho cuối kỳ của Công ty mẹ Everland và các công ty con tại ngày 31/12/2022 cũng như các thủ tục kiểm toán thay thế khác.
Trong kỳ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023, tổ chức kiểm toán đã thực hiện thủ tục chứng kiến kiểm kê tiền mặt và hàng tồn kho cuối kỳ của Công ty mẹ EverLand và các công ty con tại ngày 31/12/2023 nên có đủ cơ sở để đánh giá và đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với số liệu của bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính tổng hợp và hợp nhất năm 2023 của Công ty.
Tuy nhiên, theo chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam hiện hành thì số dư tiền mặt và hàng tồn kho cuối kỳ tại ngày 31/12/2022 được chuyển sang là số dư đầu kỳ tại ngày 1/1/2023. Do số dư tiền mặt và hàng tồn kho đầu kỳ có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ trong năm của Công ty, nên tổ chức kiểm toán chưa có đủ cơ sở để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ tại kỳ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 của Công ty.