Rời Mỹ về Việt Nam mở trung tâm dạy lập trình cho con nhà giàu, startup bị Shark Tuệ Lâm chỉ ra thế bấp bênh: Nước lên thì thuyền lên, ai ở lại cuối cùng mới quan trọng!

Với chi phí 3-5 triệu đồng/học sinh/tháng, hiện startup mới có gần 100 học viên sau gần 1 năm thành lập.

Sau 10 năm làm việc trong lĩnh vực CNTT tại Mỹ, Nguyễn Đăng Trung trở về Việt Nam, thành lập Tagedu - trung tâm chuyên dạy lập trình cho trẻ em từ 6-15 tuổi. Anh lên Shark Tank Việt Nam mùa 6 với mục tiêu huy động 1,5 tỷ đồng, đổi lấy 10% cổ phần.

Theo giới thiệu, startup này mới thành lập từ đầu năm 2023, hiện có 1 cơ sở với gần 100 học sinh, trong đó có 51 học viên offline và 43 học viên online. Số vốn đầu tư ban đầu là 600 triệu đồng.

Nhà sáng lập Nguyễn Đăng Trung cho biết thời gian thu hồi vốn khoảng 10-12 tháng, công ty đã đạt dòng tiền dương vào tháng thứ tư. Tỷ lệ tăng trưởng là 20%/tháng.

Hiện Tagedu có 2 mô hình kinh doanh chính: Thứ nhất là mô hình chuỗi tập trung tại các khu chung cư gần trường học có sẵn hệ sinh thái lớp học tuy nhiên còn thiếu bộ môn lập trình. Thứ hai là mô hình nền tảng Tagedu vẫn trong quá trình phát triển, tích hợp chương trình giảng dạy khoa học máy tính vào các trường học, mục tiêu tiếp cận ban đầu là các trường quốc tế, tư nhân. 

Tagedu có kế hoạch mở thêm 4 trung tâm trong 3 năm tới, đạt tốc độ tăng trưởng 200-300%/năm, hoà vốn vào 2024

photo-1702309117589

Nguyễn Đăng Trung – CEO & Founder Tagedu

Là người có kinh nghiệm trong các thương vụ đầu tư EdTech, Shark Tuệ Lâm đặt câu hỏi về nguồn gốc của các giáo trình giảng dạy. Theo founder, chương trình học được nhập khẩu từ Mỹ và được áp dụng tại nhiều quốc gia như Anh, Australia, Canada, Mỹ. Tuy nhiên mục tiêu lớn của Tagedu trong thời gian tới là xây dựng nền tảng dạy và học lập trình của riêng mình.

Shark Minh Beta lại hỏi về điểm khác biệt của startup giữa vô vàn các mô hình tương tự đã có trên thị trường. 

Founder Nguyễn Đăng Trung cho rằng Tagedu sở hữu hai điểm khác biệt chính. Thứ nhất, trong khi một vài bên tập trung cho phần chơi nhiều hơn là phần học thì Tagedu tập trung vào các kiến thức nền tảng vững chắc trước rồi mới áp dụng vào các trò chơi. Thứ hai, Tagedu mong muốn sử dụng một nền tảng thống nhất giữa dạy và học để quản lý đầu vào, đầu ra dễ dàng hơn.

Về các chỉ số tài chính, doanh thu 3 tháng gần nhất đã đạt khoảng 130-150 triệu đồng/tháng. Lợi nhuận từ 30-35%. Tháng 9/2023, doanh thu đạt 150 triệu đồng, lợi nhuận 50 triệu đồng. Hai năm tới, nếu gọi vốn thành công, startup sẽ mở thêm 1 trung tâm nữa vào đầu năm 2024 và thêm 2 trung tâm vào năm 2025. Doanh thu năm sau khoảng 3,3 tỷ đồng, 2025 là 9,5 tỷ đồng.

Mô hình "nước lên thì thuyền lên"

Trong khi đó, Shark Hùng Anh hỏi chi phí của các khóa học. Founder Đăng Trung cho biết, hiện tại các khoá học có giá khoảng 250-400.000 đồng/tiếng, một tuần học 2-3 buổi, thu hằng tháng 3-5 triệu đồng/học sinh. Shark Hùng anh cho rằng đây là mức chi dành cho các gia đình giàu có, để mở rộng quy mô thì buộc phải giảm giá. "Năm ngoái tôi đã đầu tư vào trung tâm Anh ngữ. Các bố mẹ chỉ sẵn sàng đầu tư 1 triệu đồng/tháng thôi, mà tiếng Anh còn cần thiết hơn so với các chương trình học lập trình của startup", Shark Hùng Anh nhận định. Cho rằng startup gọi vốn quá sớm, vị "cá mập" này không đầu tư. 

Shark Tuệ Lâm cho rằng mô hình này đang trong tình trạng "nước lên thì thuyền lên". Các quốc gia châu Á khá trọng dụng những chương trình học như của Tagedu nên nhiều startup tương tự ngoài kia đã gọi vốn thành công.

"Lúc nước lên, team nào cũng làm được thì không nói. Nhưng lúc nước xuống, còn lại những team nào mới là quan trọng hơn". Shark Tuệ Lâm cho rằng founder Đăng Trung cần cân nhắc về thời điểm gọi vốn để có định giá tốt hơn. Hiện tại mức định giá của startup không cao, có thể đợi đến thời điểm thị trường tốt, kinh doanh tốt, định giá công ty có thể gấp 5-7 lần. Trong khi đó, nữ "cá mập" cũng quyết định không đầu tư. 

Tương tự, Shark Bình và Shark Erik cũng lần lượt lắc đầu từ chối. 

photo-1702309158990

Ngược lại, Shark Minh Beta lại thấy tiềm năng về sự kết hợp giữa chuỗi Beta Cinema và startup như chiếu các chương trình cho học sinh, vừa học vừa chơi, tận dụng không gian của rạp chiếu phim. Nhẩm tính định giá gấp 5 lần EBITDA, Shark Minh cho rằng Tagedu có định giá khoảng 3 tỷ đồng. 

Sau đó, "cá mập" này đề nghị đầu tư 500 triệu cho 15% cổ phần, 1 tỷ cho 10% cổ phần sau 12 tháng, với điều kiện startup đạt doanh thu 1,5 tỷ cho 3 địa điểm kinh doanh. 

Founder Đăng Trung mặc cả phần trăm cổ phần với Shark Minh Beta, đề nghị 1,5 tỷ đồng cho 15% cổ phần. Tuy nhiên, vị "cá mập" lắc đầu từ chối, khép lại thương vụ không thành công của Tagedu. 

Hoàng Thuỳ

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT