Rót vốn khi bắt đầu khởi công dự án, Vinaconex thoái sạch vốn khi Cảng Vạn Ninh chưa hoàn thành
Vinaconex bắt đầu 'rót' vốn vào Cảng Vạn Ninh từ tháng 9/2021, tức một tháng trước khi khởi công dự án. Đến tháng 6/2024, khi dự án chưa hoàn thành thì Vinaconex đã thoái sạch vốn.
Ngày 21/6, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG, sàn HoSE) công bố thông tin về việc hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đầu tư của Tổng công ty tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh.
Theo đó, Vinaconex đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng trên và không còn vốn góp tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh từ ngày 21/6/2024. Giá trị thương vụ và đối tác nhận chuyển nhượng không được tiết lộ.
Trước đó, tại Quyết định số 889/2024/QĐ-HĐQT, Vinaconex muốn chuyển nhượng 2 triệu cổ phần đang sở hữu tại Cảng Vạn Ninh cho các nhà đầu tư quan tâm. Giao dịch dự kiến hoàn tất trước ngày 20/6/2024. Lý do thoái vốn không được tiết lộ.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Vinaconex, tính đến ngày 31/3/2024, VCG sở hữu 40% cổ phần tại Cảng Vạn Ninh, tương ứng giá trị phần vốn góp là 198,3 tỷ đồng.
Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh, thành lập năm 2018, là chủ đầu tư dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 có tổng diện tích 82,79 ha (gồm 46,55ha đất và 36,24ha mặt nước), tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng, hoàn toàn bằng vốn đầu tư doanh nghiệp.
Dự án Cảng Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Ninh) nằm trong nhóm cảng biển số 1 thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt .
Trong số tổng diện tích đất sử dụng 82,79 ha đất, hạng mục chính là bến cầu chính dài 500 m đáp ứng nhu cầu neo đậu đồng thời 2 tàu có trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu có trọng tải 10.000 DWT và các sà lan ở mặt sau.
Riêng khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container. Ngoài ra, dự án còn có kho CFS, nhà điều hành cảng…
Ngày 24/10/2021, tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Khởi công dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh. Thời gian đầu tư, xây dựng dự kiến trong 3 năm, hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV năm 2024.
Tuy nhiên đến nay, tổng khối lượng thực hiện các hạng mục đang rất thấp, nhà thầu mới cơ bản hoàn thành công tác nạo vét, bơm cát san lấp nền bãi dự án, thi công tuyến đê bao...
Trở lại Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh, ở thời điểm mới thành lập công ty có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, là công ty con do Tập đoàn Dương Đông (Dương Đông Group) nắm giữ 65% vốn, tương đương 325 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 cổ đông sáng lập khác của Cảng quốc tế Vạn Ninh là ông Dương Văn Thành và Lê Tuấn Long, lần lượt sở hữu 15% và 20% vốn doanh nghiệp.
Vinaconex bắt đầu 'rót' vốn vào Cảng Vạn Ninh từ tháng 9/2021, tức một tháng trước khi khởi công dự án. Cổ đông lớn nhất vẫn là Dương Đông Group - "ông lớn" trong lĩnh vực xuất nhập khẩu xăng dầu với thương hiệu DDS Petro.
CTCP Tập đoàn Dương Đông (Dương Đông Group) thành lập tháng 6/2006 tiền thân là Công ty cổ phần Dương Đông - Sài Gòn. Hồi tháng 4/2019, công ty giảm vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng xuống 720 tỷ đồng. Đến tháng 9/2019, công ty đổi tên như hiện tại.
Được biết, ông Lê Tuấn Long và bà Lê Ngọc Phương Anh (có cùng địa chỉ thường trú với ông Long) hiện là 2 cổ đông lớn nhất của Dương Đông Group với 90.000 cổ phần, tương đương 95,8% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của công ty do ông Trương Tiến Vinh đứng tên.
Từ tháng 4/2023, ông Lê Tuấn Long (sinh năm 1959) làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.