Saigontel thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính, 'rót' 300 tỷ đầu tư chứng khoán

Nhờ doanh thu tài chính đột biến giúp Saigontel thoát lỗ trong quý II/2024. Trong kỳ, công ty của Chủ tịch Đặng Thành Tâm 'rót' 300 tỷ đồng đầu tư chứng khoán.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, MCK: SGT, sàn HoSE) ghi nhận doanh thu gần 251 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp ở mức gần 24 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 20% lên mức gần 26 tỷ đồng. Còn lại, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 32%, lên hơn 27 tỷ đồng.

Nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến gấp 6,8 lần lên mức hơn 43 tỷ đồng, Saigontel vẫn báo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh gần 15,4 tỷ đồng.

Saigontel thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính, 'rót' 300 tỷ đầu tư chứng khoán- Ảnh 1.

Nguồn: SGT

Luỹ kế trong nửa đầu năm 2024, Saigontel ghi nhận doanh thu đạt 360,5 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ; doanh thu tài chính tăng gần 4 lần lên mức hơn 46 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 18,6 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2024, Saigontel tiếp tục lên kế hoạch tham vọng với doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 205,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 450 tỷ đồng, tăng 490,5% so với thực hiện trong năm 2023.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi trước thuế chỉ đạt 26,5 tỷ đồng, Saigontel mới hoàn thành 6% so với kế hoạch.

Tính tới ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Saigontel tăng rất nhẹ lên 7.191 tỷ đồng.

Chiếm 41% tổng tài sản là hàng tồn kho ghi nhận 2.959 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án KCN Nam Tân Lập hơn 1.429 tỷ đồng; chi phí dự án KCN Đại Đồng Hoàn Sơn 2 575 tỷ đồng...

Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.529 tỷ đồng, giảm 28% sau 6 tháng đầu năm, trong đó khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm mạnh nhất còn hơn 125 tỷ đồng.

Nửa đẩu năm 2024, Saigontel rót 300 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán nhưng không thuyết minh cụ thể; tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng tăng gần gấp đôi lên 166 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả ở mức 5.208,2 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay tài chính tăng 7,4% so với đầu năm lên 3.625 tỷ đồng.

Nợ vay ngắn hạn tăng nhẹ lên 1.603,2 tỷ đồng gồm khoản có giá trị lớn nhất là hơn 493 tỷ đồng tại CTCP Đầu tư Phát triển Long An. Nợ vay dài hạn ghi nhận 2.021,6 tỷ đồng, lớn nhất là khoản vay tại Vietcombank trị giá 1.425 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT