Sẵn sàng cho xu hướng công trình xanh

Nhu cầu đối với văn phòng làm việc xanh đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Ông Phillip Wright, Giám đốc hoạt động của Ngân hàng HSBC Việt Nam, đã có những chia sẻ sâu hơn về xu hướng này.


Sẵn sàng cho xu hướng công trình xanh- Ảnh 1.

Ông Phillip Wright, Giám đốc hoạt động của Ngân hàng HSBC Việt Nam

Ông nhìn nhận thế nào về phong trào tòa nhà xanh ở Việt Nam cũng như trên thế giới?

Trên phạm vi toàn cầu, công trình xanh đang ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia và nhiều ngành nghề nhận thấy nhu cầu cấp thiết cần phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm phát thải các-bon. Các tổ chức như Hội đồng Công trình Xanh Mỹ (U.S. Green Building Council - USGBC) và Hội đồng Công trình Xanh thế giới (World Green Building Council - WorldGBC) đang đi đầu trong nỗ lực phổ biến các thông lệ và chứng nhận công trình xanh trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã triển khai những quy tắc và tiêu chuẩn công trình xanh nhằm đảm bảo dự án xây dựng mới đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững.

Quả thật, chúng tôi đã chứng kiến nhiều cụm công trình mới đưa các tiêu chí bền vững lên hàng đầu và coi đó là trọng tâm trong quá trình thiết kế, tuân theo các thông lệ cũng như hệ thống đánh giá chứng nhận bền vững hiện nay. Một số chủ sở hữu công trình lớn cũng bắt đầu tiến hành nâng cấp những dự án sẵn có nhằm theo kịp nhu cầu của khách hàng.

Xu hướng và phong trào công trình xanh đang lan tỏa rộng rãi không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Người ta ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của các thông lệ bền vững trong xây dựng và thiết kế công trình ở đây. Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều sáng kiến và ưu đãi nhằm khuyến khích công trình xanh, chẳng hạn như Hệ thống Tiêu chí Công trình xanh (LOTUS) và Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam. Chúng tôi chứng kiến ngày càng nhiều các công trình và dự án mới ở Việt Nam lồng ghép các nguyên tắc công trình xanh nhằm giảm tác động đến môi trường, cải thiện hiệu suất năng lượng và nâng cao tính bền vững nói chung. Số liệu thống kê là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Tính đến năm 2023, Việt Nam đã có trên 250 công trình đạt chứng nhận LEED và trở thành quốc gia đứng thứ 28 trên thế giới về xây dựng công trình xanh. Green Business Certification Inc. dự báo Việt Nam sẽ nằm trong top 10 quốc gia có số lượng tòa nhà xanh nhiều nhất trong vòng một thập kỷ tới.

Nhìn chung, xu hướng công trình xanh được kỳ vọng sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi. Là một phần trong quá trình chuyển dịch hướng đến cân bằng phát thải toàn cầu, các biện pháp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu sẽ cần được lồng ghép vào các công trình xây dựng và ngành bất động sản một cách thích hợp tùy thuộc vào đặc điểm mỗi nơi. Ở đó, sự dịch chuyển hướng đến các thông lệ công trình bền vững và có hiệu suất năng lượng sẽ đóng một vai trò hỗ trợ.

Sẵn sàng cho xu hướng công trình xanh- Ảnh 2.

Green Business Certification Inc. dự báo Việt Nam sẽ nằm trong top 10 quốc gia có số lượng tòa nhà xanh nhiều nhất trong vòng một thập kỷ tới

Nhu cầu văn phòng làm việc xanh đang tăng lên. Nguyên nhân nào dẫn tới xu hướng vậy thưa ông?

Có thể thấy những yếu tố thúc đẩy sự phổ biến này rất rõ ràng. Văn phòng làm việc xanh giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu bền vững và giảm chi phí.

Để đạt được lộ trình cân bằng phát thải vào năm 2050, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính tổng phát thải các-bon của ngành xây dựng công trình cần giảm khoảng 5 GtCO2 vào năm 2030, tương đương 0,6 GtCO2/năm. Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới của tổ chức này, các biện pháp giảm phát thải, cải thiện hiệu suất năng lượng và hiệu quả chi phí trong các công trình có thể góp phần giảm trên 6,5 GtCO2 trong tổng phát thải mỗi năm vào năm 2040. Giảm phát thải từ các công trình xây dựng chiếm một phần ba tổng lượng phát thải cần giảm phù hợp với các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris, cho thấy tiềm năng lớn để giảm phát thải khí nhà kinh đáng kể nếu so với các ngành phát thải nhiều khác.

Các công trình và ngành xây dựng chiếm khoảng 37% năng lượng toàn cầu và lượng phát thải liên quan. Các công trình xanh có hiệu năng cao, đặc biệt là các công trình đạt chuẩn LEED, mang lại giải pháp giảm tác động của khí hậu. Một tòa nhà đạt chuẩn LEED có thể giúp kiến tạo một tương lai bền vững hơn không chỉ có môi trường mà còn mang đến những lợi ích cho xã hội. Các công trình được chứng nhận LEED đặt trọng tâm nhiều hơn vào sức khỏe của người sử dụng công trình, mang đến không gian bên trong lành mạnh và dễ chịu hơn.

Sẵn sàng cho xu hướng công trình xanh- Ảnh 3.

HSBC Việt Nam đặt ra mục tiêu cải thiện lượng phát thải từ các văn phòng cũng như lồng ghép các thông lệ bền vững trong cơ sở hạ tầng của Ngân hàng tại Việt Nam

Là một ngân hàng, HSBC từng nhiều lần nhắc đến các mục tiêu và chiến lược bền vững. Công trình xanh nằm ở đâu trong chiến lược đó?

Tại HSBC, chúng tôi có tham vọng đạt được cân bằng phát thải trong vận hành và chuỗi cung ứng của mình cũng như hỗ trợ khách hàng chuyển dịch hướng đến cân bằng phát thải. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, chúng tôi tìm cách để chuyển sang sử dụng 100% điện tái tạo trong hoạt động của ngân hàng và giảm thiểu tác động trực tiếp lên thiên nhiên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm phát thải trong tất cả các hoạt động tiêu hao năng lượng, đi lại và chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Nhằm hỗ trợ mục tiêu cân bằng phát thải trong hoạt động của Tập đoàn, năm 2022, HSBC Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu cải thiện lượng phát thải từ các văn phòng cũng như lồng ghép các thông lệ bền vững trong cơ sở hạ tầng của chúng tôi tại Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi xem xét toàn hệ thống để giảm phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Các công trình và văn phòng có hiệu suất năng lượng cao sẽ giúp chúng tôi đạt được mục tiêu.

Chúng tôi đã giảm được lượng CO2 phát thải ra môi trường và giảm tiêu thụ điện năng nhờ lắp đặt tấm năng lượng mặt trời trên mái cơ sở của chúng tôi, lắp đặt hệ thống đèn LED hiệu suất cao và tối ưu hóa hệ thống cung cấp điện.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực để đạt được chứng nhận LEED hoặc tương đương cho các dự án xây dựng tại một số cơ sở trọng điểm. Năm ngoái, HSBC là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt được hạng LEED Vàng cho Phòng giao dịch E-Town và mới đây chúng tôi đã đạt được chứng nhận LEED Vàng thứ hai sau khi cải tạo văn phòng tại tầng 2 tòa nhà Metropolitan. Đây là chứng nhận hạng Vàng theo hệ thống tiêu chí LEED v4 Thiết kế và Xây dựng Nội thất: Nội thất thương mại.

Sẵn sàng cho xu hướng công trình xanh- Ảnh 4.

Năm ngoái, HSBC là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt được hạng LEED Vàng cho Phòng giao dịch E-Town

Chứng nhận LEED Vàng cho dự án Thiết kế và Xây dựng Nội thất đòi hỏi nhưng điều kiện như thế nào?

Có rất nhiều yếu tố cần cần nhắc bởi mọi khía cạnh của một văn phòng đều có thể tối ưu hóa nhằm nâng cao hiệu suất năng lượng, giảm thiểu rác thải và gia tăng sự vững vàng trong các nguyên tắc thiết kế. Chẳng hạn, chúng tôi sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như mây làm vách ngăn khu vực tiếp tân với khu vực tiếp khách trong văn phòng ở tòa nhà Metropolitan.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng áp dụng các thông lệ về quản lý chất thải để giảm rác thải cần chôn lấp và khuyến khích xả thải có trách nhiệm cũng như triển khai các chiến lược nhằm giảm thiểu lượng nước sử dụng, đồng thời khuyến khích sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm trong suốt quá trình cải tạo cũng như trong vận hành.

Các vấn đề khác cần chú trọng bao gồm tối ưu hóa hiệu suất năng lượng bằng cách sử dụng cảm biết ánh sáng và các công nghệ nâng cao hiệu suất năng lượng khác như ưu tiên chất lượng không khí trong nhà thông qua việc liên tục giám sát CO2, kiểm tra chất lượng không khí trong nhà nhằm đảm bảo môi trường trong nhà lành mạnh cho người sử dụng.

Nói một cách ngắn gọn, để đạt được chứng nhận LEED, chúng tôi đã phải làm nhiều thứ liên quan đến phát thải các-bon, năng lượng, nước, rác thải, vận chuyển, vật liệu, sức khỏe con người và chất lượng môi trường bên trong văn phòng.

Sẵn sàng cho xu hướng công trình xanh- Ảnh 5.

Hiện tại, 70% thỏa thuận thuê văn phòng, tòa nhà của HSBC Việt Nam đều đã được "xanh" hóa

Để đạt được chứng nhận LEED trong một tòa nhà hiện hữu có trở ngại gì không?

Thiết kế bền vững cho một công trình mới thì luôn dễ hơn nhiều so với nâng cấp một tòa nhà hiện hữu, nhưng khó không có nghĩa là không thể. Để vượt qua những thách thức trong việc đáp ứng tiêu chuẩn của chứng nhận LEED cho một tòa nhà cũ đòi hỏi rất nhiều sự phối hợp, truyền tải thông tin và lên kế hoạch nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu bền vững, đồng thời giải quyết những hạn chế trong môi trường tòa nhà.

Chẳng hạn, chúng tôi đã làm việc với bên cho thuê để mời họ đồng hành cùng chúng tôi trong chương trình thỏa thuận thuê văn phòng xanh (green lease) đã được áp dụng tại HSBC trên toàn cầu. Một thỏa thuận thuê văn phòng xanh giúp hai bên thấu hiểu nhau hơn, cùng hướng đến một mục tiêu nhằm thúc đẩy các lợi ích bền vững và nhận diện các cơ hội dành cho đôi bên để cải thiện thiết kế cũng như vận hành công trình.

Và thế là chúng tôi bắt đầu làm việc với bên cho thuê về những nguyên tắc thỏa thuận thuê văn phòng xanh và tầm quan trọng trong việc lồng ghép các thông lệ bền vững vào trong công trình. Những nỗ lực tích cực của chúng tôi trong việc thuyết phục bên cho thuê đồng hành và thúc đẩy các sáng kiến bền vững đã kết thành trái ngọt, trong đó có thể kể đến nỗ lực để đạt được chứng nhận LEED cho dự án ở tòa nhà Metropolitan đã được đền đáp xứng đáng. Hướng hợp tác này không chỉ nâng cao sự bền vững cho không gian văn phòng của chúng tôi mà còn đóng góp vào văn hóa có trách nhiệm với môi trường nói chung của các đối tác.

Hiện tại, 70% thỏa thuận thuê văn phòng, tòa nhà của chúng tôi đều đã được "xanh" hóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với bên cho thuê để tìm kiếm cơ hội tiếp tục xây dựng những thông lệ xanh, bền vững cho các cơ sở của ngân hàng.

Cảm ơn ông vì đã chia sẻ rất nhiều thông tin thú vị!

Kim Ngân

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT