Sắp cổ phần hóa loạt “bom tấn” nhưng UBND Tp.HCM vẫn “để dành” nhiều DN lãi cả nghìn tỷ mỗi năm, nắm giữ nhiều đất vàng, tài sản trọng yếu

Tp.HCM tiếp tục duy trì nắm giữ 100% vốn điều lệ với 32 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

UBND Tp.HCM vừa ban hành kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND Tp.HCM đến hết năm 2025. Trong đó, có 10 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa đến 2025, với tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ còn lại phổ biến mức 50-65%.

Ngược lại, Tp.HCM tiếp tục duy trì nắm giữ 100% vốn điều lệ với 32 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đây toàn là những doanh nghiệp lớn, sở hữu loạt "đất vàng" vô cùng đắc địa như Saigontourist, Tân Thuận IPC cũng như những doanh nghiệp sở hữu những ngành kinh doanh đặc thù như Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Tp.HCM (HFIC), Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco, Công ty Đường sắt Đô thị số 1 hay Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)…

Sắp cổ phần hóa loạt “bom tấn” nhưng UBND Tp.HCM vẫn “để dành” nhiều DN lãi cả nghìn tỷ mỗi năm, nắm giữ nhiều đất vàng, tài sản trọng yếu- Ảnh 1.

Dù không phải là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất - đứng sau Satra - nhưng Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Tp.HCM (HFIC) được ví như "gà đẻ trứng vàng" của UBND Tp.HCM khi đây là đơn vị đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào các lĩnh vực mà Thành phố ưu tiên.

HFIC có thể coi như một mô hình thu nhỏ của SCIC. Tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của HFIC vào mức 16.400 tỷ đồng. HFIC hiện đang sở hữu 100% vốn là Công ty Xổ số kiến thiết Tp.HCM - doanh nghiệp xổ số lớn nhất nước có lợi nhuận hàng nghìn tỷ mỗi năm cũng như nhiều khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác như REE, VietA Bank, Chứng khoán HSC, Giditex, Cholimex...

Năm 2021, HFIC đột ngột báo lỗ gần 800 tỷ do dự phòng một số khoản cho vay. Tuy nhiên sau đó đã lãi đột biến gần 5.000 tỷ trong năm 2022.

Sắp cổ phần hóa loạt “bom tấn” nhưng UBND Tp.HCM vẫn “để dành” nhiều DN lãi cả nghìn tỷ mỗi năm, nắm giữ nhiều đất vàng, tài sản trọng yếu- Ảnh 2.

Một doanh nghiệp đáng chú ý khác trong danh sách "của để dành" UBND Tp.HCM là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Do đặc thù hoạt động, Saigontourist đang nắm giữ rất nhiều khách sạn 5 sao, lâu đời nhất và có vị trí đắc địa nhất Sài Gòn gồm: Khách sạn Majestics Saigon (nằm ngay ngã giao Tôn Đức Thắng và Đồng Khởi, quận 1), Khách sạn Grand Saigon (8 Đồng Khởi, quận 1), Khách sạn Continental Sài Gòn (132-134 Đồng Khởi, quận 1), Royal Hotel Saigon (133 Nguyễn Huệ, quận 1), Rex Sài Gòn (141 Nguyễn Huệ, quận 1)...

Bên cạnh đó, Saigontourist cũng sở hữu danh mục đồ sộ các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết như khách sạn Caravelle (49%), New World Saigon (25%), Trung tâm hội chợ triển lãm Sài Gòn, Truyền hình cáp SCTV...

Hoạt động kinh doanh của Saigontourist đã giảm sút mạnh từ khi dịch covid bùng nổ.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco - có lợi nhuận tăng đều đặn trong những năm gần đây, đạt gần 1.500 tỷ đồng năm 2023. 

Một doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực bất động sản là Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (Tân Thuận IPC). Tân Thuận IPC nắm giữ một danh mục đồ sộ vào nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, đáng kể nhất là 30% vốn của Liên doanh Phú Mỹ Hưng. Lợi nhuận được chia từ Phú Mỹ Hưng là nguồn đóng góp chính giúp Tân Thuận IPC có lợi nhuận cả nghìn tỷ mỗi năm.

Ngoài ra, Tân Thuận IPC còn là cổ đông chính của CTCP Long Hậu (LHG), CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước, Công ty Sepzone - Linh Trung, cảng SCPT...

Thành viên đáng chú ý còn có SJC, dù quy mô tài sản không lớn song nổi bật với mức doanh thu vượt trội, gấp nhiều lần các đơn vị còn lại. Năm 2023, SJC ghi nhận doanh thu thuần 28.408 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 24% lên 61 tỷ đồng, vượt 7% chỉ tiêu được giao phó.

Năm 2024, trong bối cảnh cơn sốt giá vàng, SJC đặt mục tiêu doanh thu 30.145 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 22% lên hơn 70 tỷ đồng.

Tri Túc

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT