Sau 20 năm gắn bó hợp tác, một chuỗi đồ ăn có 37.000 cửa hàng vừa quyết định 'nghỉ chơi' với Coca Cola, bắt tay độc quyền với Pepsi

Coca Cola vừa để mất khách hàng lớn nhất vào tay Pepsi.

Coca Cola vừa để mất khách hàng lớn nhất, đã hợp tác trong suốt 20 năm: Là chuỗi có 37.000 cửa hàng trên toàn thế giới, sẽ độc quyền hợp tác với mình Pepsi kể từ tháng 1/2025

Subway đã trở thành mặt trận mới nhất của cuộc chiến giữa 2 ông lớn Coca Cola và Pepsi. Cụ thể, Pepsi đã đạt được thỏa thuận với chuỗi cửa hàng bánh sandwich để trở thành nhà cung cấp đồ uống duy nhất cho tất cả các cửa hàng ở Mỹ, thay thế Coca Cola. Subway cũng đã gia hạn hợp đồng trước đó với công ty con Frito-Lay của Pepsi, công ty sẽ cung cấp đồ ăn nhẹ cho chuỗi đến năm 2030.

Coca Cola nói với Fortune trong một tuyên bố: "Trong gần hai mươi năm, Công ty Coca Cola đã tự hào phục vụ các nhà hàng Subway ở Mỹ. Chúng tôi cam kết phục vụ Subway cho đến cuối năm nay và sẽ tiếp tục tập trung vào việc mang lại giá trị cho Subway, đối tác nhượng quyền và người tiêu dùng của họ".

Khách hàng của Subway sẽ bắt đầu thấy các sản phẩm như Sprite, Fanta và Diet Coke được thay thế bằng Mountain Dew, Tropicana và Gatorade bắt đầu từ tháng 1/2025.

Thỏa thuận này là bước đi mới nhất mà tập đoàn đồ ăn nhẹ và đồ uống Pepsi thực hiện để soán ngôi Coca Cola với tư cách là công ty đồ uống có giá trị cao nhất. Theo Beverage Digest, với việc lưu trữ sản phẩm Coke tại tất cả 20.000 cửa hàng ở Mỹ, Subway là khách hàng lớn nhất của Coca Cola tính theo số lượng địa điểm cửa hàng. Subway có khoảng 37.000 địa điểm trên toàn thế giới.

Sau 20 năm gắn bó hợp tác, một chuỗi đồ ăn có 37.000 cửa hàng vừa quyết định 'nghỉ chơi' với Coca Cola, bắt tay độc quyền với Pepsi - Ảnh 1.

Việc chuyển đổi nhà cung cấp này không phải là chưa từng có. Hôm thứ hai, chuỗi cửa hàng Skyline Chili của Cincinnati tuyên bố sẽ chuyển từ sản phẩm Pepsi sang Coke bắt đầu từ tháng tới. Cùng thời điểm, chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt Culver's ở Wisconsin, cũng đã thực hiện chuyển đổi tương tự vào tháng 1/2023.

Hôm thứ 3, Subway cũng đã công bố một thỏa thuận nhượng quyền thương mại với quỹ đầu tư tư nhân McWin, theo đó họ sẽ mở 600 cửa hàng mới trên khắp châu Âu.

Theo dự báo, với thỏa thuận mới, vận may của Subway cũng có thể ảnh hưởng đến Pepsi – công ty đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu quý 4 chậm lại do giá tăng liên tục, mặc dù lợi nhuận đã vượt kỳ vọng và hiệu suất doanh thu thuần 5,9% trong năm.

Trong khi đó, Coke công bố lợi nhuận gộp quý 4 là 641 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của công ty, doanh thu thuần tăng 6% trong năm 2023.

Chưa kể, ngay cả khi mất Subway, Coca Cola vẫn có thứ mà Pepsi không có: Doanh số bán hàng ngày càng tăng.

ĐẤU TAY ĐÔI

Hai gã khổng lồ đồ uống đã đối đầu nhau trong nhiều thập kỷ và nếu thỏa thuận của Subway với Pepsi là một dấu hiệu nào đó, hai công ty sẽ tiếp tục tranh giành vị trí dẫn đầu trong ngành đồ uống.

Ngành công nghiệp nước ngọt nói chung đã chịu nhiều tổn hại bởi mức giá cao, thuốc giảm cân và sự quan tâm của Thế hệ Z đối với các loại đồ uống thay thế lành mạnh hơn. Tuy nhiên chiến lược của Coke và Pepsi lại khác nhau trong việc cố gắng cạnh tranh với nhau.

Trước đây, Coke đã được hỗ trợ nhờ hoạt động bán hàng tại những địa điểm như rạp chiếu phim và nhà hàng - và họ đã dựa vào các thị trường quốc tế ở Mexico và Đức để thúc đẩy nhu cầu đang sụt giảm ở Mỹ. Công ty cũng sử dụng các nhà đóng chai độc lập trong khi Pepsi sở hữu khoảng 75% hoạt động đóng chai ở Bắc Mỹ. 

Điều này có nghĩa là Coke phải đầu tư ít nguồn lực hơn vào việc đóng gói đồ uống. Trong khi Coke đã làm chủ thị trường đồ uống, thì thành công của Pepsi một phần lớn là nhờ Frito-Lay, sản phẩm gần như ngang bằng với doanh thu đồ uống của Pepsi trong hầu hết năm 2023.

Cả hai gã khổng lồ này đang có những bước tiến lớn để thu hút người tiêu dùng Thế hệ Z: Coke gần đây đã tung ra một loại soda mặn, không đường. Còn Pepsi tung ra cocktail có hương vị Doritos.

Để giới thiệu thị trường đồ uống của mình, tuần tới Pepsi sẽ ra mắt dòng sản phẩm mới đầu tiên sau sáu năm: Bubly Burst, một loại nước lọc có vị ngọt nhẹ dựa trên dòng Bubly ban đầu được ra mắt vào năm 2018 để cạnh tranh với La Croix. Đó là một phần trong mối quan tâm ngày càng tăng của Pepsi đối với các loại đồ uống tốt hơn cho sức khỏe và ngày càng được giới trẻ ưa chuộng.

Olipop, một công ty độc lập tự nhận mình là nước ngọt có ga tốt cho sức khỏe, đang đặt mục tiêu đạt doanh thu 400 triệu USD trong năm nay, tăng từ mức 250 triệu USD vào năm ngoái.

Nik Sharma, Giám đốc điều hành của cơ quan chiến lược thương hiệu Sharma Brands nói với Modern Retail: "Thách thức lớn nhất có lẽ chỉ là đảm bảo rằng sản phẩm giống như thứ mà mọi người thực sự muốn mua với số lượng lớn".

Theo: Fortune

Phương Linh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT