Sau 3 DA thần tốc tại Quảng Ninh, công ty pin năng lượng mặt trời Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam dự kiến doanh thu 2024 tăng gấp 3 lần lên 2,4 tỷ USD
Các công ty Trung Quốc chiếm ít nhất 60% thị phần module quang điện Việt Nam. Trong đó, thương hiệu Jinko Solar chiếm thị phần lớn nhất với khoảng 38% thị phần, gấp đôi thị phần tất cả các công ty Trung Quốc khác cộng lại - Theo chia sẻ của ông Samresh Kumar, CEO của SkyX Solar.
Theo thông tin tại Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, vào ngày 10/2/2024, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến thăm, động viên công nhân, người lao động làm việc xuyên Tết và kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh tại Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam), KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên. Đây là 1 trong những doanh nghiệp có số lượng công nhân làm việc xuyên Tết lớn nhất tỉnh.
Ngay trong ngày mùng 1 Tết, các nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar tại KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên đã có 1.800 công nhân đến làm việc, tăng gần 1.000 công nhân so với Tết năm 2023. Tất cả các phân xưởng đều hoạt động bình thường như những ngày trước Tết. Để động viên người lao động làm việc trong những ngày nghỉ Tết, ngoài tiền lương gấp 3 lần so với những ngày bình thường, Công ty còn thưởng thêm 3 triệu đồng cho tất cả công nhân làm việc trong những ngày Tết.
3 năm thần tốc của Jinko Solar tại Việt Nam
Thông tin tại sự kiện cho biết, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar lên kế hoạch năm 2024 với doanh thu dự kiến đạt khoảng 2,4 tỷ USD (hơn 58.000 tỷ đồng), gấp 3 lần so với năm 2023 (tức 19.000 tỷ đồng).
Jinko Solar (NYSE: JKS) là nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời của Trung quốc, xếp hạng lớn nhất thế giới. Theo giới thiệu, Công ty chiếm thị phần lớn ở châu Âu, Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á. Trong tổng công suất khoảng 75GW năm 2023, chỉ khoảng 8% cung cấp tại thị trường Trung Quốc, còn lại hướng tới xuất khẩu.
Công ty hiện có 14 cơ sở sản xuất với 3 cơ sở nằm ngoài Trung Quốc, đặt tại Việt Nam, Malaysia và Florida (Mỹ). Đây cũng là công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời đầu tiên của Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2010.
Jinko Solar lên kế hoạch xây dựng nhà máy 7 GW tại Việt Nam bắt đầu từ cuối năm 2020. Đến cuối tháng 3/2021, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar được thành lập tại Việt Nam với vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án của Jinko Solar mang tên "Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam" (DA Jinko Solar 1) với quy mô vốn đầu tư gần 500 triệu USD.
Cuối tháng 9/2021, dự án thứ 2 của Jinko Solar mang tên "Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam" (Dự án Jinko Solar 2) được cấp giấy chứng nhận đầu tư với quy mô đầu tư trên 365,6 triệu USD, với diện tích hơn 20ha.
Tổng vốn đầu tư của 2 dự án mà tập đoàn này đầu tư tại KCN Sông Khoai lên đến 865,6 triệu USD. Sản phẩm của dự án Jinko Solar 2 là nguyên liệu đầu vào của dự án Jinko Solar 1. Cơ sở sản xuất ở Quảng Ninh cũng là nơi đầu tiên Jinko hoạt động theo mô hình sản xuất hoàn chỉnh và khép kín.
Tháng 11 cùng năm, công ty tăng vốn lên gần 2.400 tỷ đồng và gấp đôi số lượng lao động lên 4.668 người.
Nhưng không dừng lại ở 2 dự án này, ngày 22/10/2023, Jinko Solar Việt Nam được tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng giúp Quảng Ninh thu hút được hơn 3 tỷ USD vốn FDI – dẫn đầu các địa phương thu hút FDI năm 2023, đồng thời trở thành địa phương chiếm vai trò quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của Jinko Solar trên phạm vi toàn cầu khi chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của Tập đoàn tại nước ngoài.
Hiện tại vốn điều lệ của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam gần 3.900 tỷ đồng. Được biết, nhà máy Jinko Solar Việt Nam về danh nghĩa là một doanh nghiệp chế xuất (EPE) nên sản phẩm để xuất khẩu hoặc "xuất khẩu tại chỗ".
Vị thế Jinko Solar trên thị trường Việt Nam
Chia sẻ trên Forbes Việt Nam, ông Samresh Kumar, CEO của SkyX Solar, một trong những nhà đầu tư năng lượng mặt trời nước ngoài có tổng công suất đỉnh lớn nhất đã cho biết, hiện nay các công ty Trung Quốc chiếm ít nhất 60% thị phần module quang điện Việt Nam. Trong đó, thương hiệu Jinko Solar chiếm thị phần lớn nhất. Công ty giữ thế độc tôn về pin mặt trời với khoảng 38% thị phần, gấp đôi thị phần tất cả các công ty Trung Quốc khác cộng lại.
Các tấm module quang điện của Jinko Solar xuất hiện tại những dự án năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất và sớm nhất của Việt Nam như: nhà máy điện mặt trời Trung Nam Phước Minh, dự án điện mặt trời Xuân Thiện, nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (thuộc Bamboo Capital Group), nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng, dự án trang trại điện mặt trời áp mái Cư Jut hay dự án điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và 2.
Dù vậy, nếu dựa trên con số doanh thu năm 2023 của nhà sản xuất tại Việt Nam, với 19.000 tỷ đồng, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar mới chỉ gần bằng 30% của JA Solar Việt Nam - công ty có vốn điều lệ hiện tại là 1.980 tỷ đồng và doanh thu gần 68.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024, doanh thu của JA Solar Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, ước tính đạt 136.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu JA Solar Việt Nam đứng sau VinaSolar trong năm 2022.
Năm 2022, theo dữ liệu của Vietdata, doanh thu JA Solar Việt Nam đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 sau VinaSolar (doanh thu khoảng 35.000 tỷ đồng).
Cũng 'thần tốc' như Jinko Solar, trong tháng 10/2023, nhà máy JA Solar Việt Nam công bố mở rộng với tổng vốn đầu tư 477 triệu USD (10.971 tỷ đồng), vốn đầu tư tăng thêm là 378 triệu USD (tương đương 8.694 tỷ đồng). Ban đầu, dự án có vốn đầu tư là 280 triệu USD, sau khi điều chỉnh thêm 378 triệu USD, tổng vốn đầu tư của dự án là 658 triệu USD. Theo đó, Tập đoàn JA Solar là doanh nghiệp nước ngoài có số vốn điều chỉnh tăng lớn nhất tại Bắc Giang trong năm 2023.
Đến hiện tại, JA Solar đã đầu tư 3 dự án vào Bắc Giang, với tổng vốn đầu tư 967 triệu USD, chuyên sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời, tế bào quang điện hiệu suất cao.