Sau Nam Hải Đình Vũ, Gemadept muốn bán tiếp một cảng tại Hải Phòng
Không lâu sau khi thu lãi nghìn tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ, Gemadept tiếp tục muốn bán toàn bộ 99,98 cổ phần tại Cảng Nam Hải.
Ngày 31/10 vừa qua, HĐQT CTCP Gemadept (mã GMD, sàn HoSE) đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 999.800 cổ phần do công ty nắm giữ tại CTCP Cảng Nam Hải, tương đương 99,98% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Cảng Nam Hải được đưa vào khai thác từ tháng 2/2009, trụ sở chính tại số 201 Ngô Quyền, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Ban đầu đây là công ty liên kết, liên doanh của Gemadept với tổng vốn đầu tư gần 27,6 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn.
Đến năm 2010, GMD nâng tỷ lệ sở hữu tại Cảng Nam Hải lên 99,98%. Tính đến thời điểm hiện tại, Cảng Nam Hải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của GMD không thay đổi.
Cảng Nam Hải được coi là tiền đề để GMD mở rộng đầu tư, phát triển các dự án cảng khác tại Hải Phòng, bao gồm Cảng Nam Hải Đình Vũ (đã thoái vốn toàn bộ), cụm Cảng Nam Đình Vũ và Nam Hải ICD.
Đây không phải lần đầu tiên GMD thực hiện thoái vốn tại các cảng đang hoạt động trong năm nay. Hồi tháng 5/2023, GMD đã thoái toàn bộ 84,66% vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ cho nhóm nhà đầu tư bao gồm CTCP Container Việt Nam (Viconshop, mã VSC), Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy, Công ty TNHH Thương mại Kim khí Xuất nhập khẩu Huy Hoàng và ông Nguyễn Đình Hưởng.
Thương vụ này đã mang về khoản lợi nhuận đột biến hơn 1.844 tỷ đồng cho GMD, đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh năm nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm, GMD ghi nhận doanh thu thuần 2,812 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% nhưng lãi ròng tăng đến145% lên 2.310 tỷ đồng, vượt 154% kế hoạch lợi nhuận năm.
Gemadept tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập năm 1990. Đây là một trong ba công ty đầu tiên được cổ phần hóa vào năm 1993 và niêm yết trên thị trường chứng khoán rất sớm từ năm 2002. Đến nay, Gemadept đã trở thành doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực logistics và khai thác cảng.
Gemadept hiện đang sở hữu và vận hành nhiều cảng biển quy mô lớn, nổi bật nhất là Gemalink - cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, một trong 19 cảng trên thế giới có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay.