Sau nghỉ lễ, chứng khoán tiếp tục tăng?
Chốt tuần, VN-Index đóng cửa tăng 40 điểm (3,44%) so với tuần trước, lên 1.224 điểm. Bên cạnh sự tích cực của dòng tiền trong nước, khối ngoại cũng mua ròng trở lại, tạo lực đẩy cho một số cổ phiếu.
Trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index có chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp, tiệm cận đỉnh cũ thiết lập hồi đầu tháng 8/2023.
Chốt tuần, VN-Index đóng cửa tăng 40 điểm (3,44%) so với tuần trước, lên 1.224 điểm. Bên cạnh sự tích cực của dòng tiền trong nước, khối ngoại cũng mua ròng trở lại, tạo lực đẩy cho một số cổ phiếu.
Thông tin từ Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), tuần giao dịch ngay sau lễ 2/9, trong ngắn hạn VN-Index có thể hướng tới vùng đỉnh cũ quanh 1.250 điểm trước khi tạo nền tích lũy mới trước ngưỡng cản mạnh 1.300.
Nhóm phân tích cho rằng xu hướng tăng (uptrend) của thị trường chưa bị phá vỡ về trung hạn. Nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua không thủng ngưỡng 1.150 điểm nên thị trường đã tích lũy lại và tạo nhịp tăng ngắn hạn trước khi đi vào vùng tích lũy mới.
Nhịp điều chỉnh mạnh còn cần thiết để thị trường rũ bỏ đeo bám trước ngưỡng cản mạnh 1.300 và trong trường hợp tích cực, VN-Index vẫn có thể bùng nổ vượt 1.300 điểm nếu như nhịp tích lũy tiếp theo đủ tốt và chặt chẽ.
Dù vậy, chuyên gia của SHS cho rằng, hiện còn quá sớm để dự báo xa. Trước mắt thị trường sẽ hồi phục ngắn hạn và sau đó cần tạo thành khu vực tích lũy mới để tích lũy nội lực trước khi vượt cản mạnh.
Nhóm phân tích cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường đang trong nhịp hồi phục sau điều chỉnh, tuy nhiên sẽ phải có giai đoạn tích lũy mới. Có rủi ro rung lắc khi VN-Index tiệm cận ngưỡng cản 1.250 điểm.
Theo phân tích của chuyên gia Công ty chứng khoán Tiên Phong, tháng 9 này nhà đầu tư đang kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất trong kỳ họp lần này, qua đó giảm áp lực cho VND. Đồng thời,Việt Nam sẽ đón chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, từ đó mở ra các cơ hội phát triển sâu rộng hơn giữa 2 quốc gia. "Hiện tại, sau khi thành công trở lại trên đường SMA 20 ngày, VN-Index đã lấy lại xu hướng tăng trong ngắn hạn và mục tiêu tiếp theo mà chỉ số cần hướng tới là vùng đỉnh liền kề, quanh mức 1,245 điểm", TPS nêu quan điểm.
Trong khi, chuyên gia từ Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục quán tính tăng điểm và hướng lên vùng kháng cự kế tiếp quanh 1.23x điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp tăng vượt cản và chỉ mua trở lại trong các nhịp điều chỉnh về quanh vùng hỗ trợ.
Nhóm phân tích Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) giữ quan điểm thận trọng, khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục thu gọn danh mục, chỉ tập trung giải ngân vào những cổ phiếu đang có diễn biến tương tự hoặc tốt hơn VN-Index, thu hút được lực cầu tốt và cho tín hiệu vượt đỉnh. Một số nhóm ngành có thể quan tâm, như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ.
Với nhóm chứng khoán, ngoài thông tin về hệ thống KRX, tiến trình nâng hạng thị trường cũng đang được nhà đầu tư ngóng chờ.
Theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, trong 15 năm trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index đã có 10 tuần tăng và 5 tuần giảm, trong khi HNX-Index có 11 tuần tăng và 4 tuần giảm.
Điều đáng chú ý, đa số các tuần tăng/giảm trước kỳ nghỉ của 2 chỉ số này đều song hành cùng nhau qua các năm, trừ năm 2015, khi đó, VN-Index giảm 1,5% thì HNX-Index lại tăng 1,11%.
Còn sau kỳ nghỉ lễ 2/9, VN-Index và HNX-Index cũng có những diễn biến tương đồng, khi cùng tăng hoặc giảm, ngoại trừ năm 2012, 2016 và 2020. Với VN-Index, tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ là vào năm 2011, khi đó chỉ số +7,6%, trong khi giảm mạnh nhất là năm 2013 với -1,89%. Ngược lại, sau kỳ nghỉ, năm tăng tốt nhất vào 2011 khi tăng 5,56% và năm 2009 là năm tệ nhất, khi chỉ số mất 3,53%.
Tuần sau kỳ nghỉ lễ gần nhất, với ngày giao dịch từ 05/9 đến 09/9/2022, chỉ số VN-Index có đợt phục hồi mạnh và tăng hơn 40 điểm, tương đương +3,44% lên hơn 1.224 điểm.
Đối với HNX, tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ rơi vào năm 2010 với +10,95%, trong khi giảm mạnh nhất là năm 2012 và năm 2022, cùng với mức giảm -2,53%. Ngược lại, sau kỳ nghỉ, tăng tốt nhất là năm 2011 với mức +1,87% và giảm sâu nhất cũng là năm 2009 với mức -3,1%.