Sếp Amazon: 'Sellers Việt thường kinh doanh online theo kiểu lướt sóng!'
"Đây không phải cách tiếp cận để mang lại thành công dài hạn trên sân chơi toàn cầu", Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhắn nhủ.
Gần nửa thập kỷ điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, ông Gijae Seong nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp bán hàng online ở Việt Nam là một trong những cộng đồng sôi nổi và năng động hàng đầu khu vực.
"Chính sự năng động này góp phần đẩy mạnh số lượng doanh nghiệp Việt tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, với kỹ năng ban đầu nhất định và nhập cuộc nhanh", Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, các sellers Việt cũng có mặt hạn chế khi thường kinh doanh online theo kiểu "lướt sóng".
"Họ không có kế hoạch kinh doanh một cách dài hạn. Họ tham gia với một tâm thế thử xem thế nào. Họ muốn thử các sản phẩm đã bán tốt ở Việt Nam xem thị trường quốc tế ra sao. Đây không phải cách tiếp cận để mang lại thành công dài hạn trên sân chơi toàn cầu", ông Gijae Seong nói.
"Các bạn cần đầu tư nếu muốn có kết quả kinh doanh một cách nghiêm túc. Việc kinh doanh nghiêm túc đi liền với câu chuyện không chỉ bán sản phẩm, không chỉ cạnh tranh về giá mà còn phải tạo giá trị cộng thêm bằng câu chuyện xây dựng thương hiệu".
Về chất lượng sản phẩm made-in-Vietnam, lãnh đạo Amazon Global Selling nhìn nhận với năng lực sản xuất và cung ứng, chất lượng sản phẩm made-in-Vietnam không hề thua kém bất cứ một sản phẩm "made in đâu đó" tại các thị trường phát triển.
Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xuất phát điểm là các doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống B2B (bán hàng cho doanh nghiệp), tức sản xuất theo đơn đặt hàng lớn của các doanh nghiệp lớn.
"Gần như quy trình của họ chỉ ngang mức độ sản xuất và cung cấp cho nhà nhập khẩu. Họ không trực tiếp làm các quy trình khác. Cho nên khi chuyển sang làm xuất khẩu bán lẻ B2C (bán cho người dùng cuối – PV), họ bị thiếu kinh nghiệm trong việc làm sao để các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thay đổi rất nhanh của các khách hàng toàn cầu? Làm sao để hàng hóa của mình từ Việt Nam đến thị trường mục tiêu, đến tay khách hàng để hoàn thiện đơn hàng? Làm sao để xây dựng thương hiệu trên môi trường online…", ông Gijae Seong nhận xét.
Trò chuyện với các doanh nghiệp thành công ngoài Việt Nam, đại diện Amazon Global Selling cho biết 2 trong nhiều yếu tố quyết định thành công là Lấy khách hàng làm trọng tâm và Tốc độ.
"Đây cũng là lời khuyên Amazon Global Selling muốn nhắn nhủ các doanh nghiệp Việt: Bạn có nhanh đủ hay không? Có năng động đủ hay không? Và bạn có tầm nhìn đủ hay không? Trả lời được 3 câu hỏi đó, bạn có thể bắt đầu hành trình kinh doanh online của mình", ông Gijae Seong nhắn nhủ.
5 xu hướng của xuất khẩu TMĐT của Việt Nam
Theo thống kê của Amazon Global Selling từ năm 2019 – 2023, có 5 xu hướng xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp Việt qua Amazon như sau:
- Tăng tốc mở rộng kinh doanh toàn cầu: Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng 300% trong 5 năm qua.
- Năng lực xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam ngày càng tăng. TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng với thành công của các DN từ Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/ năm trên Amazon tăng vọt gấp 10 lần trong vòng 5 năm.
- Tăng cường xây dựng thương hiệu: Trong 5 năm, số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần. Đầu tư xây dựng thương hiệu quốc tế mạnh mẽ là một bước đi chiến lược, góp phần tăng cường sự trung thành của khách hàng, tăng tỉ lệ mua hàng lặp lại và sức mạnh định giá.
- Tinh giản quá trình mở rộng và vận hành kinh doanh toàn cầu. Theo đó, số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam sử dụng Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) tăng hơn 300% so với năm 2019.
- Đa dạng hóa danh mục sản phẩm: Danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt là ngành hàng Sức khỏe & Chăm sóc cá nhân, Nhà cửa, Nhà bếp, May mặc và Làm đẹp.