Sếp FPT kể chuyện làm phần mềm cho ô tô
Mới đây, ông Vũ Tuấn Mạnh, Giám đốc Sản xuất FPT Automotive, FPT Software đã xuất hiện trên series podcast Trà Nghề 2 của Tập đoàn FPT, chia sẻ về câu chuyện làm phần mềm cho ô tô.
PHẦN MỀM Ô TÔ ĐÒI HỎI KHẮT KHE HƠN VỀ TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VÀ AN TOÀN
Ông Vũ Tuấn Mạnh bắt đầu làm việc tại FPT Software từ tháng 4/2004 và đã trải qua nhiều vị trí khác nhau trong công ty. Khoảng 6 năm trước, tức là vào khoảng năm 2018, ông đã làm việc với một khách hàng Nhật Bản một dự án lớn nhất của FPT Software lúc bấy giờ. Sau khi dự án này bị dừng, ông đã từ vị trí giám đốc của một trung tâm sản xuất có 140 người giảm xuống còn 2 người và chuyển sang làm việc cho GAM, tiền thân của FPT Automotive. Ông bắt đầu làm quản lý dự án (PM) của một dự án nhỏ, và sau đó dự án này phát triển thành dự án lớn nhất của GAM thời điểm đấy đó là phát triển phần mềm cho hệ thống màn hình thông tin giải trí của một trong những hãng xe ô tô lớn nhất thế giới.
Thành công từ dự án này đã dẫn đến việc ông được cử đến Hồ Chí Minh để lãnh đạo bộ phận GAM tại đó. 3 năm sau, FPT Automotive được thành lập và ông trở thành giám đốc sản xuất của FPT Automotive.
Ông Mạnh cho biết, hiện tại FPT Automotive đang thực hiện nhiều công việc từ thiết kế cơ khí, thân vỏ xe cho đến lập trình phần mềm cho các chip điều khiển trong xe. Ô tô hiện nay chứa khoảng gần 80 con chip để điều khiển mọi hoạt động từ cửa xe, túi khí, phanh ABS, đèn sau và nhiều thành phần khác. Công việc của FPT Automotive bao gồm lập trình cho các con chip này, từ việc lập trình, điều khiển đến phát triển các nền tảng và ứng dụng trong buồng lái, như đồng hồ, thông báo chỉ số và hệ thống thông tin giải trí, chỉ đường,... cho toàn bộ xe.
Tuy cùng là sản xuất phần mềm nhưng quy trình sản xuất phần mềm cho xe ô tô đòi hỏi sự khắt khe cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn. Ông Mạnh nhấn mạnh rằng nhiều hãng xe từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ đang vận hành phần mềm do FPT phát triển. Giám đốc sản xuất FPT Automotive chia sẻ ông cảm thấy tự hào khi nhìn thấy những sản phẩm phần mềm automotive mà FPT Software và người Việt Nam đã phát triển được áp dụng trực tiếp và có thể nhìn thấy trên các loại xe ô tô hàng ngày.
DỰ ÁN 'KHÓ NHẰN' KHIẾN GIÁM ĐỐC TỪNG NGHI NGỜ
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ công việc làm phần mềm ô tô có rất nhiều thách thức, cần có sự động viên lẫn nhau trong đội ngũ để vượt qua khó khăn, học hỏi từ những lần thất bại, cũng như đôi khi phải đối mặt với phàn nàn của khách hàng về tiến độ và chất lượng.
Ông Mạnh kể lại một trong những kỷ niệm ông nhớ nhất trong hành trình làm phần mềm cho ô tô. Đó là một dự án đồ họa cho một hãng xe ô tô Nhật Bản để làm lại 2.000 màn hình thông tin giải trí trong xe, đặc biệt là những khoảnh khắc ban đầu đầy khó khăn và thử thách, yêu cầu lòng kiên trì và nỗ lực không ngừng.
Khi đó, ông và đội ngũ đã gặp khó khăn lớn khi một màn hình được chia thành hàng trăm thành phần nhỏ và không được phép lệch nhau dù chỉ một Pixel. Giám đốc sản xuất FPT Automotive cho biết việc này đòi hỏi phải phát triển nhiều công cụ kiểm tra tự động, bởi việc kiểm tra bằng mắt thường để phát hiện lệch một vài Pixel là rất khó và mệt mỏi. khi chưa phát triển được các giải pháp tự động, việc kiểm tra bằng mắt, chụp hình và đánh dấu chúng vào Excel một cách thủ công khiến năng suất rất thấp. Sau khi ông và đội ngũ phát triển các giải pháp tự động cho việc chụp hình, test và đánh dấu vào Excel, năng suất tăng lên khoảng 5 lần so với làm thủ công.
Ông cũng chia sẻ, vào thời điểm bắt đầu dự án đó, khi mọi thứ chưa hoàn thiện, chỉ có khoảng 30 người trong đội ngũ, trong khoảng 6 tháng đầu tiên, ông cùng 2 nhân sự trong dự án thường xuyên làm việc muộn đến 11-12 giờ đêm cùng với khách hàng để đảm bảo tiến độ giai đoạn đầu. Lúc đó, ông cảm thấy mệt mỏi và lo lắng không biết dự án sẽ đi đến đâu, bởi dự án dự kiến kéo dài 3 năm nhưng mới chỉ chạy được 2 tháng và phía trước là nhiều thử thách. Tuy nhiên, nhìn thấy hai bạn nhân sự trong dự án đó vẫn vui vẻ và lạc quan bàn luận về việc giải quyết khó khăn của dự án, ông lại có niềm tin rằng với tinh thần nhiệt huyết như vậy, dự án chắc chắn sẽ thành công.
Và quả thực, hiện tại hai thành viên ấy đã trở thành những thành viên chủ chốt và đã làm nhiều việc quan trọng cho các dự án ô tô khác tại Hòa Lạc. Một người đã được thăng chức làm Phó Giám đốc trung tâm quản lý một ODC (Offshore Development Center) 300 người cho khách hàng Nhật trong lĩnh vực automotive, và một người khác đang xây dựng và lãnh đạo một ODC khác.
Thời cao điểm của dự án, đội ngũ lên tới gần 200 người cả người Việt Nam lẫn người Nhật Bản đã chạy hết tốc lực trong suốt 3 năm. Vào tháng 9/2021, khi phiên bản thử nghiệm được chạy trên xe Lexus RX350 tại Mỹ, ông cùng đồng nghiệp đã có dịp xem trên YouTube, mọi người đều cảm thấy hạnh phúc khi thấy sản phẩm của mình được đưa lên một chiếc xe thương mại trong bản release đầu tiên và gần như không có bug.
CẦN THÊM NHIỀU LẬP TRÌNH VIÊN GIỎI TRONG LĨNH VỰC Ô TÔ
Theo ông Mạnh, FPT Automotive hiện tại chỉ đang đóng vai trò là nhà cung ứng cấp 2 trong chuỗi sản xuất ô tô và đang muốn vươn lên trở thành nhà cung ứng cấp cao hơn để tham gia vào những khâu quan trọng hơn trong quy trình sản xuất.
Ông nhận thức được rằng có nhiều thách thức về công nghệ, hiểu biết về phần cứng và chip để có thể kết hợp chúng một cách tốt nhất, tạo ra sản phẩm có giá trị cao cho thị trường. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng FPT Automotive phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty phần mềm khác ở Ấn Độ, châu Âu và Mỹ. Mặc dù FPT là công ty công nghệ hàng đầu ở Việt Nam nhưng vẫn cần phải nỗ lực nhiều để có thể vươn ra thế giới.
Hiện tại số lượng nhân sự tại FPT Automotive là 4.000 người, nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn và cần thêm nhiều lập trình viên giỏi trong lĩnh vực ô tô. Bởi vì chưa có chuyên ngành đào tạo chuyên biệt nào về lập trình ô tô, khoảng 80% nhân sự hàng năm phải được tự đào tạo bởi công ty, bên cạnh việc tuyển dụng từ các công ty outsourcing khác về ô tô tại Việt Nam.
Đầu năm vừa qua, FPT Automotive đã hợp tác cùng Đại học FPT tại Hà Nội để xây dựng một khoa chuyên về đào tạo lập trình ô tô. Năm nay, đã có gần 900 suất đăng ký cho ngành này.
Ông Mạnh nhận định rằng xu hướng hiện tại của ngành ô tô đang hướng đến việc phát triển xe tự lái cấp độ 5, nghĩa là loại xe mà người lái có thể "chui vào xe và không phải làm gì," thậm chí là không cần có vô lăng. Người dùng có thể điều khiển xe bằng giọng nói hay tương tác với xe như với một người bạn. Hiện tại, thế giới mới chỉ có xe tự lái ở cấp độ 2 đến 2.5. Để đạt đến cấp độ 5, còn rất nhiều việc phải làm, và khi xe càng tự động hóa thì yêu cầu về tính năng an toàn càng cao. "Đây cũng là cơ hội lớn cho cả thế giới và FPT để phát triển thêm nhiều phần mềm khác cho xe." - Ông Mạnh nói