Sếp Techcombank: Báo cáo hợp nhất của ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều khi 'lấn sân' sang mảng bảo hiểm
Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến tác động tài chính của việc đầu tư vào công ty bảo hiểm nhân thọ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, cho biết giai đoạn đầu sẽ chưa ảnh hưởng đáng kể đến báo cáo tài chính hợp nhất.
Tại sự kiện "Gặp gỡ Nhà đầu tư cá nhân – Công bố kết quả kinh doanh quý II/2025" ngày 23/7, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, lãnh đạo ngân hàng trả lời nhiều thắc mắc của cổ đông, trong đó có vấn đề bảo hiểm.
Bởi lẽ, mới đây, Techcombank đã được Bộ Tài chính cấp phép thành lập Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Techcom Life, với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, trong đó ngân hàng sở hữu 80%. Đây là bước tiếp theo sau khi Techcombank tăng vốn tại Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns), hiện nắm giữ 68% cổ phần.
Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến tác động tài chính của việc đầu tư vào công ty bảo hiểm nhân thọ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, cho biết giai đoạn đầu sẽ chưa ảnh hưởng đáng kể đến báo cáo tài chính hợp nhất.
"Ở giai đoạn đầu, ngân hàng chủ yếu tập trung vào việc xây dựng nền tảng, phát triển dòng sản phẩm và định hình chiến lược tăng trưởng bền vững cho công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, về dài hạn, tôi tin rằng tác động đến kết quả tài chính sẽ rõ nét hơn", ông Tuấn nhận định.

Nói về lý do Techcombank thành lập công ty bảo hiểm, ông Tuấn cho biết có hai nguyên nhân chính. Đầu tiên, sau giai đoạn khủng hoảng niềm tin năm 2023–2024, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh và tái cấu trúc. Theo ông, các thị trường như Singapore, Thái Lan hay Indonesia từng trải qua các chu kỳ bùng nổ – điều chỉnh tương tự.
Hiện nay, các sản phẩm bảo hiểm chủ yếu được phân phối qua ngân hàng hoặc đại lý, khiến trải nghiệm của khách hàng phụ thuộc lớn vào đơn vị phân phối. Trong khi đó, nhu cầu thực tế ngày càng đòi hỏi trải nghiệm xuyên suốt, từ tính năng sản phẩm đến quy trình hậu mãi và bồi thường.
"Techcombank muốn làm chủ chuỗi giá trị đó, không chỉ là bên bán mà còn thiết kế và vận hành toàn bộ quy trình", ông Tuấn nói.
Thứ hai, Việt Nam đang ở ngưỡng phát triển quan trọng về thu nhập và nhân khẩu học. Với GDP bình quân đầu người hiện khoảng 4.500 USD, ông Tuấn cho rằng khi mức thu nhập tăng lên 7.000–10.000 USD, nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo hiểm có thể tăng từ 3 đến 5 lần – dựa trên kinh nghiệm tại Trung Quốc và Indonesia.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý đến xu hướng dân số già. Dự kiến đến năm 2037, Việt Nam sẽ có khoảng 20 triệu người trên 60 tuổi, một lực lượng khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
"Với tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm dưới 10%, phí bảo hiểm trên GDP chỉ 1,2–1,3%, Việt Nam là thị trường còn rất nhiều dư địa. Chúng tôi tin rằng, cùng với hệ sinh thái ngân hàng, Techcombank có thể cung cấp sản phẩm bảo hiểm thiết thực, dễ tiếp cận và mang lại giá trị thực cho người dân", ông Tuấn khẳng định.

Hiện về tình hình kinh doanh bảo hiểm, ông cập nhật hoạt động bancassurance của ngân hàng đã phục hồi hoàn toàn, đạt lại mức trước quý IV/2024 – thời điểm chấm dứt hợp tác phân phối độc quyền với Manulife Việt Nam.
Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm quy năm (APE) của Techcombank hiện đứng thứ ba toàn thị trường. Trong quý II/2025, doanh thu từ phí bảo hiểm tăng 11% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 18% so với năm trước.
Theo ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank, ngân hàng đã chuyển từ vai trò đơn thuần là nhà phân phối sang chiến lược chủ động xây dựng hệ sinh thái bảo hiểm. Theo đó, ngân hàng không chỉ kết nối dịch vụ tài chính và phi tài chính, mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình thiết kế, triển khai sản phẩm bảo hiểm.
"Chúng tôi hướng đến làm chủ toàn bộ hành trình trải nghiệm khách hàng, từ thiết kế sản phẩm phù hợp với từng phân khúc, đến số hóa quy trình và tích hợp vào các hành trình tài chính – đời sống của khách hàng", ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết thêm, bảo hiểm được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho ngân hàng, đóng góp cả nguồn thu ngắn hạn lẫn dài hạn, đồng thời củng cố chiến lược hệ sinh thái lấy khách hàng làm trọng tâm. Ông cũng chỉ ra rằng doanh thu bảo hiểm nhân thọ trên GDP của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 1,2%, thấp hơn đáng kể so với mức 5–10% của các nước trong khu vực, cho thấy tiềm năng phát triển còn lớn.
"Chúng tôi kỳ vọng quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam có thể tăng gấp 3,5 lần trong 5–10 năm tới, đến năm 2030–2035", ông nói.
Thảo Vân