SGN muốn lập pháp nhân mới để triển khai gói thầu 780 tỷ đồng sân bay Long Thành
SGN sẽ trình cổ đông chủ trương thành lập pháp nhân mới để triển khai gói thầu sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện sân bay Long Thành trị giá 780 tỷ đồng.
CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, MCK: SGN, sàn HoSE) vừa thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2025.
Đại hội diễn vào sáng ngày 6/3/2025 tại khách sạn Park Royal, 309B-311 Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Cổ đông xác nhận tham dự đại hội trước 16h ngày 4/3/2025.
Theo tài liệu được công bố, đại hội sẽ xem xét tờ trình về chủ trương thành lập pháp nhân mới để tổ chức thực hiện đầu tư, vận hành, khai thác Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 2 tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Trong đó, SGN nắm 75% vốn điều lệ và CTCP phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) nắm 25% vốn điều lệ.

Ảnh minh họa
Trước đó, hồi đầu tháng 12/2024, liên danh SAGS và HGS đã được Bộ GTVT lựa chọn là nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 2 tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Trong liên danh này, SGN nắm vai trò chủ đạo với 75% vốn góp, phần còn lại thuộc về đối tác là CTCP Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS). Điểm đáng chú ý là cả 2 doanh nghiệp đều cam kết sử dụng hoàn toàn vốn chủ sở hữu, không huy động nguồn vay bên ngoài.
Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam với trách nhiệm là bên mời thầu ký kết và quản lý hợp đồng trên cơ sở kết quả bộ đã phê duyệt tại quyết định nêu trên để tổ chức, triển khai các bước tiếp theo.
Việc đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành bao gồm gói thầu số 1 và số 2.
Mỗi dự án được thực hiện trên khu đất hơn 7.000 m2 và có giá trị đầu tư sơ bộ khoảng 781 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện trong khoảng 18 tháng cùng thời hạn dự án trong khoảng 24 năm 8 tháng.
SGN và HGS hiện đều đang có vốn của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (MCK: ACV) với tỷ lệ sở hữu lần lượt 48,03% và 20%. Ngoài ra, hãng Hàng không Vietjet (MCK: VJC) cũng nắm 9,11% vốn SGN.
Về tình hình kinh doanh của SGN, trong quý IV/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần 390 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp tăng thêm 9% lên mức 125 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính gấp 2,5 lần, đạt 21 tỷ đồng. Ngược chiều, các loại chi phí được tiết giảm. Kết quả, SGN báo lãi sau thuế 84,5 tỷ đồng, tăng trưởng 218% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần tăng 4% lên 1.518 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng 22% lên 294 tỷ.
Theo giải trình từ SGN, mặc dù sản lượng khách quốc nội giảm mạnh so với cùng kỳ do ngưng cung cấp dịch vụ cho hãng Bamboo Airways trong năm 2024, nhưng sản lượng phục vụ các đường bay quốc tế tăng trưởng tốt và công ty cũng ký được thêm hợp đồng phục vụ một số khách hàng quốc tế mới.
Bên cạnh đó, tỷ giá USD vào thời điểm cuối năm ở mức cao, do đó công ty cũng phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá trong quý 4/2024.
Đáng chú ý, trong kỳ này SGN không còn phát sinh việc trích lập dự phòng khó đòi với hãng Bamboo Airways và Vietravel Airlines như cùng kỳ. Thậm chí còn thực hiện hoàn nhập dự phòng do thu hồi nợ, giúp giảm đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp. Nhờ các yếu tố trên, lợi nhuận của SGN tăng trưởng đột biến.
Tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của SGN đạt 1.489 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm đến 1.059 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản. Còn lại tài sản dài hạn chỉ chiếm hơn 212 tỷ.
Hà Ly