Shark Hùng Anh than “lên TV startup bùng nổ, các bạn lại không cho anh vào nữa", startup phản pháo: Thanh xuân có hạn, ông này nói không làm thì phải kiếm ông làm nhưng ít nói hơn!
Sau câu nói của Shark Hùng Anh "Năm ngoái những deal anh chốt khi được lên sóng, Startup bùng nổ thì các bạn lại không cho anh vào nữa", một Startup đã phản biện: Thanh xuân có hạn, và hoá đơn cũng không thanh toán bằng lời hứa được. Ông này nói không làm thì phải kiếm ông làm nhưng ít nói hơn chút hỗ trợ thì cũng là điều bình thường mà thôi.
Mới đây fanpage chính thức của chương trình Shark Tank Việt Nam đã đăng trích dẫn của Shark Lê Hùng Anh với nội dung: "Năm ngoái những deal anh chốt khi được lên sóng, Startup bùng nổ thì các bạn lại không cho anh vào nữa".
Sau câu nói này của "cá mập" Hùng Anh, anh Lê Minh Đức - Nhà sáng lập Remaps - một startup từng được shark Hùng Anh cam kết đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5 đã có những phản biện về việc này.
Theo anh Đức, để khởi nghiệp thì anh em founder đều phải góp công góp của hết, đều là tiền thật.
"Thế nên nếu Shark có muốn vào thì cũng phải vào bằng tiền thật mới được, chứ vào bằng lời hứa thì ai mà cho.
Thường trong giao dịch, người ta muốn mua cái gì đó thì họ phải cọc, cọc xong trong 1 thời gian sau thì giao dịch, nếu mà giao dịch không diễn ra được vì nhiều lý do thì huỷ hợp đồng cọc hoàn cọc là xong (cùng đền bù nếu có).
Thế nên nếu Shark cứ cọc cho Startup thì chắc chắn Startup sẽ cho Shark vào hoặc đền bù cho Shark, còn Shark không thèm cọc, cũng chả nói lúc nào chốt thì ai mà chờ được.
Thanh xuân có hạn, và hoá đơn cũng không thanh toán bằng lời hứa được. Ông này nói không làm thì phải kiếm ông làm nhưng ít nói hơn chút hỗ trợ thì cũng là điều bình thường mà thôi."
(Anh Lê Đức chia sẻ chế độ công khai trên trang cá nhân)
Trao đổi thêm với chúng tôi về quan điểm của mình, anh Lê Đức bày tỏ: Chuyện "deal" không thành thì có thể do nhiều lý do, nhưng nếu nói sau khi lên sóng bùng nổ rồi Startup không cho Shark vào thì mình thấy không thoả đáng và khá một chiều. Điều này có thể khiến cho cộng đồng nhìn nhận sai về Startup.
Theo anh Lê Đức, đứng trên cương vị của Startup thì họ cũng có cái khó. Startup không chỉ thiếu tiền hay kinh nghiệm mà họ còn thiếu thời gian. Thời gian ở đây chính là cơ hội. Vì vậy, Startup không thể "vò võ" chờ đợi một lời hứa không có deadline cụ thể.
Ngay cả việc DD (Due Diligence - thẩm định trước đầu tư) kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động Công ty. Vì nếu giữ cấu trúc "deal" như thoả thuận thì sẽ mất cơ hội tìm kiếm những nhà đầu tư khác, còn nếu vẫn tìm kiếm nhà đầu tư khác thì lại dễ vỡ cấu trúc "deal" thành ra thất hứa.
Anh Đức bày tỏ quan điểm, nên chăng trong các cam kết đầu tư cũng nên có thời hạn góp vốn. Sau thời hạn đó nếu không thể chung đường thì các bên "trả tự do" để chủ động tìm kiếm cơ hội riêng cho mình, hoặc tiếp tục gia hạn deal nếu muốn.
Remap là một trong số những Startup đã nhận được đề nghị hợp tác với Shark Hùng Anh trong mùa 5 chương trình Shark Tank Việt Nam với thỏa thuận đầu tư tối thiểu 10 tỷ đồng cho 40% cổ phần.
“Mình cứ nuôi hoài, bạn chỉ tập trung lo làm sao để phát triển sản phẩm lên. Mình sẽ cam kết đầu tư cho bạn ít nhất 10 tỷ đồng. 3 năm vẫn tiếp tục vì mất 10 tỷ đồng. Mình sẽ tiếp tục đầu tư cho bạn cho đến khi nào bán được hàng. Tại vì lúc đó tiền của mình bỏ ra, cho dù mình bỏ bao nhiêu tiền đi chăng nữa thì mình cũng lấy 40% thôi”, Shark Hùng Anh thuyết phục nhà sáng lập Remaps Lê Minh Đức trên sóng truyền hình.
Sau chương trình Shark Tank mùa 5 bao nhiêu Startup được rót vốn thực?
Trên thực tế, phía sau chương trình phát sóng, quá trình thẩm định và trao đổi giữa các nhà đầu tư và Startup sẽ mất khá nhiều thời gian và có thể không đi được đến đích bởi nhiều nguyên nhân, cả chủ quan, cả khách quan.
Theo thống kê của chúng tôi, với 14 tập Shark Tank Việt Nam mùa 5, đã có 31 startup được rót vốn với số vốn cam kết ở mức 305 tỷ đồng. Trong đó, có 5 thương vụ triệu USD là hệ thống Anh ngữ Á Châu, nhãn hàng Nerman, hãng thời trang Melya, EM&AI và doanh nghiệp cung cấp gỗ tự nhiên bảo hành 10 năm e-Timber.
Trong mùa 5, Shark Hùng Anh dẫn đầu về tổng số tiền cam kết đầu tư trên truyền hình ở mức 87,4 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là Shak Liên, Shark Bình, Shark Hưng, Shark Phú.
Theo thông tin từ chương trình, sau mùa 5, Shark Hùng Anh chỉ mới chính thức đầu tư vào chuỗi Anh ngữ Á Châu với khoản vốn lên tới 1 triệu USD (khoảng 24 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) đổi lấy 12% cổ phần.
Bắt tay với Shark Hùng Anh trong chương trình nhưng chỉ nửa năm sau, Remaps đã chia sẻ về việc ngừng hợp tác.
“Đầu năm 2023 này, Remaps và Shark Hùng Anh thống nhất ngừng hợp tác, lý do vì đã quá thời hạn thỏa thuận nhưng vẫn chưa thống nhất được các nội dung chi tiết và có khả năng tiếp tục kéo dài. Do đó Remaps quyết định thay vì ưu tiên cho Shark như cam kết ban đầu thì sẽ dành phần cổ phần phát hành thêm kêu gọi các nhà đầu tư khác”, đại diện Remaps cho biết.