Shark Thủy trước khi bị bắt: Phụ huynh và giáo viên đòi nợ trăm tỷ, nhà đầu tư tố lừa đảo chiếm đoạt 226 tỷ đồng, vẫn ra gói "gạt nợ, thu hồi siêu tốc"

Những lùm xùm tại hệ sinh thái của Shark Thủy với phụ huynh, giáo viên, nhà đầu tư đã diễn ra trong thời gian dài.

Theo thông tin tại họp báo Bộ Công an sáng 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô (Người phát ngôn Bộ Công an) cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy (Chủ tịch Công ty Giáo dục EGroup, thường được gọi là Shark Thủy), Đặng Văn Hiền (Trưởng ban quan hệ cổ đông Công ty EGame) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra cũng đề nghị những người mua cổ phần của công ty ông Thủy hiện còn dư nợ, khẩn trương cung cấp hồ sơ, tài liệu để phục vụ điều tra.

Trước khi bị bắt, lùm xùm nợ học phí tại hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của Shark Thủy đã diễn ra trong thời gian dài. Từ tháng 3/2023, khoảng gần một nghìn phụ huynh đã căng băng rôn đòi tiền trước cổng các trung tâm anh ngữ. Sau các cuộc đối thoại căng thẳng với phụ huynh, Shark Thủy hứa sẽ trả học phí, chia làm 2 đợt. Tuy nhiên, chiều 11/10/2023 nhiều phụ huynh kéo đến trung tâm của Apax Leaders để đòi tiền vì chưa nhận được học phí còn thừa như cam kết. 

Đến giữa tháng 3/2024, theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, tổng số học sinh của các Trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders tại TP.HCM là 11.295 học sinh, bao gồm số học sinh đang học trực tiếp: 839 học sinh, số học sinh bảo lưu kết quả: 6.072 học sinh, số học sinh rút phí: 4.384 em. Số tiền học phí phải hoàn trả là 108.100.112.947 đồng, trong đó, đã trả 14.277.542.472 đồng, còn nợ 93.822.570.475 đồng.

Ngoài ra, đơn vị còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2/2023 là 11.574.439.307 đồng và tiền thuê mặt bằng 9 tỷ đồng.

photo-1711425388128

Phụ huynh có con học tại Apax Leader đến Sở GD-ĐT TP.HCM khi ông Nguyễn Ngọc Thuỷ thất hứa.

 

Trong khi đó, theo Công an nhân dân, từ tháng 11/2023, các nhà đầu tư cũng tố cáo Shark Thủy lừa đảo, chiếm đoạt trên 226 tỷ đồng.

"Vì tin tưởng danh tiếng, uy tín của Nguyễn Ngọc Thủy thông qua hệ thống Anh ngữ Apax và chương trình “Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank” trên VTV3 nên chúng tôi đã nộp cho Nguyễn Ngọc Thủy lên đến vài trăm tỉ đồng như danh sách thống kê chi tiết tại đơn tố cáo gửi kèm. Tất cả chúng tôi đều được nhân viên bán hàng dụ nộp tiền vào để lấy lãi nhưng sau 1 tháng mới trả hợp đồng cho chúng tôi. Khi đọc hợp đồng, chúng tôi có hỏi sao lại là cổ đông của Egroup thì sale trả lời rằng: Không cần quan tâm đến cổ đông, mà chỉ biết sau 1 năm lấy lãi về là 15%... Tất cả hợp đồng đều in sẵn và có nội dung giống nhau. Dù hứa hẹn sẽ thanh toán lãi suất cho chúng tôi theo hợp đồng, nhưng trên thực tế, Nguyễn Ngọc Thủy đã gian dối, dùng thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt số tiền trên của tôi”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - đại diện cho nhóm 171 người có đơn thưa ông Nguyễn Ngọc Thủy lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 226 tỷ đồng cho hay.

Dù chưa trả xong nợ, vào đầu năm 2024, doanh nghiệp của Shark Thủy tiếp tục gây chú ý khi đưa ra 2 gói đầu tư mới. Theo báo Công thương, sản phẩm "Tăng trưởng kinh doanh gạt nợ Apax" với số tiền tham gia tối thiểu là 500 triệu đồng, tỷ lệ gạt nợ 1:2 (1 đồng vốn mới và 2 đồng nợ cũ). Công ty cam kết phân chia lợi nhuận hàng tháng cho đến khi nhận đủ quyền lợi tỷ lệ trong thời gian hoàn vốn là 80%, số tiền phân chia hàng tháng tối thiểu là 50 triệu đồng. Lãi suất đầu tư mới 8% mỗi năm theo nợ giảm dần. Sau khi hoàn vốn, tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận là 20%.

Với gói sản phẩm "Chuyển đổi nợ, thu hồi siêu tốc", công ty yêu cầu số tiền tham gia tối thiểu là 200 triệu đồng, tỷ lệ 1:2. Công ty cam kết phân chia từ doanh thu phân bổ hàng tháng cho đến khi nhận đủ quyền lợi. Tỷ lệ chia sẻ 20% doanh thu phân bổ, thời gian bắt đầu nhận từ tháng thứ 5, số tiền phân chia hàng tháng tối thiểu bằng 60 triệu đồng (với mốc 4 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái EGroup của Shark Thủy còn bị nhắc tên liên tục trong danh sách doanh nghiệp nợ tiền BHXH. Tinh đến tháng 11/2023, Apax Leaders đang chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệm, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp này nợ tiền bảo hiểm của lao động trong nước 45 tháng qua với 55,8 tỷ đồng và nợ tiền bảo hiểm của người nước ngoài 48 tháng với 5,4 tỷ đồng.

Shark Thủy trước khi bị bắt: Phụ huynh và giáo viên đòi nợ trăm tỷ, nhà đầu tư tố lừa đảo chiếm đoạt 226 tỷ, vẫn ra gói "gạt nợ, thu hồi siêu tốc" - Ảnh 2.

Ngoài chuỗi trung tâm Anh ngữ này, các doanh nghiệp khác nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy cũng có mặt ở danh sách chậm đóng tiền cho Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Chuỗi trường mầm non Igarten nợ hơn 19 tỷ đồng trong 21 tháng. Xếp sau là chuỗi dạy toán học tư duy CMS với số tiền chậm nộp gần 10 tỷ đồng trong 34 tháng.

Các doanh nghiệp còn lại gồm English Now, Egame và công ty mẹ Egroup cũng đang chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động suốt thời gian dài. Tổng cộng, hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy đang nợ Bảo hiểm xã hội Hà Nội khoảng 101,8 tỷ đồng.




Ngọc Diệp

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT