Shark Tuệ Lâm nói "không ai ứng tiền đợi xe sản xuất", một startup xe điện Việt chứng minh điều ngược lại: Đơn hàng 2 tháng bằng cả năm trước, khách đợi 30-60 ngày mới có xe

Khách hàng của Dat Bike không thể đến cửa hàng, thanh toán tiền và ngay lập tức nhận xe. Thay vào đó, chính sách bán hàng của Dat Bike cho biết khách cần đặt cọc, thanh toán và nhận xe sau 5-14 ngày, đôi khi là 30-60 ngày.

2023 chứng kiến một năm hoạt động nhộn nhịp của thị trường xe điện tại Việt Nam. Đài CNBC dẫn số liệu từ BMI Research - đơn vị nghiên cứu của công ty chuyên về xếp hạng tín dụng Fitch Solutions - dự đoán doanh số xe điện của Việt Nam năm 2023 sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với năm 2022.

Năm nay, BMI Research mong đợi doanh số xe điện tại Việt Nam sẽ tăng 114,8% so với năm ngoái, đạt 18.000 chiếc. Tỉ lệ thâm nhập thị trường của xe điện tại Việt Nam được dự báo đạt 13,6% cho tới năm 2030, tăng mạnh so với tỉ lệ 2,9% của năm 2022.

Không chỉ thêm nhiều hãng xe gia nhập thị trường, một vài doanh nghiệp lâu đời cũng tuyên bố lập liên doanh để lấn sân sang mảng lắp ráp xe điện, trong khi các startup cũng tích cực ra mắt dòng xe mới, truyền thông và tổ chức chạy thử.

Trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 6 cũng đón chào một công ty khởi nghiệp xe điện 3 bánh thân hẹp – Carbaba. Theo giới thiệu, chiếc xe điện ba bánh thân hẹp có mức chiếm dụng mặt đường tương đương một chiếc xe máy, có buồng lái kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ. Xe được trang bị cơ chế cân bằng chủ động để khắc phục nhược điểm lớn nhất của các chiếc xe thân hẹp nói chung là dễ bị lật khi vào cua. Chiếc xe ba bánh này có thể di chuyển 200 km trên một lần sạc với phiên bản pin gắn liền thân xe hoặc 150 km với phiên bản pin có thể tháo rời. Giá bán dự kiến là 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, Carbaba hiện vẫn dừng ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển, chưa được duyệt lưu hành, đương nhiên chưa có hệ sinh thái sản xuất. Đây cũng là một vấn đề mà nữ "cá mập" Tuệ Lâm cảnh báo trước cho startup.

"Khi sản phẩm hoàn thiện và chuấn bị thương mại hóa, bạn sẽ gặp vấn đề rất lớn về dòng vốn. Người ta sẽ mua chiếc xe có sẵn chứ không ai ứng trước tiền cho bạn để làm chiếc xe này cả", Shark Tuệ Lâm phân tích.

Shark Tuệ Lâm nói "không ai ứng tiền đợi xe sản xuất", một startup xe điện Việt chứng minh điều ngược lại: Đơn hàng 2 tháng bằng cả năm trước, khách đợi 30-60 ngày mới có xe - Ảnh 1.

Shark Tuệ Lâm từng cảnh báo startup xe điện Carbaba về thách thức nguồn vốn, khả năng sản xuất

Tuy nhiên, lời nhận định này dường như không dành cho tất cả.

Dat Bike – startup xe điện Việt Nam đình đám bậc nhất hiện nay, đã ra mắt mẫu xe mới Quantum vào ngày 21/10 vừa qua. Khác với dòng motor điện trước đó, Quantum là dòng xe tay ga có hình dáng phổ thông và gần gũi hơn với số đông. Quantum được giới thiệu là có khả năng di chuyển quãng đường 270 km chỉ với một lần sạc đầy, tại dải tốc độ 35km/h. Bên cạnh đó, xe chỉ mất 4 tiếng để sạc đầy bình. Sức mạnh động cơ cũng ghi nhận công suất ấn tượng 7.000W và tốc độ tối đa đạt 100km/h. Chiếc xe có giá mở bán là 49,9 triệu đồng.

Shark Tuệ Lâm nói "không ai ứng tiền đợi xe sản xuất", một startup xe điện Việt chứng minh điều ngược lại: Đơn hàng 2 tháng bằng cả năm trước, khách đợi 30-60 ngày mới có xe - Ảnh 2.

Đáng nói, không như nhiều hãng xe điện lớn khác như VinFast, khách hàng của Dat Bike không thể đến cửa hàng, thanh toán tiền và ngay lập tức nhận xe. Thay vào đó, chính sách bán hàng của Dat Bike cho biết khách cần đặt cọc, thanh toán và nhận xe sau 5-14 ngày. Điều này đã được áp dụng từ những mẫu xe Weaver đầu tiên. Dẫu vậy, với dòng xe Quantum, Dat Bike liên tục phải thay đổi thời gian giao hàng cho khách, có khi tối đa 30 - 45 ngày kể từ khi thanh toán, thậm chí sau 2 tháng. Trong các hội nhóm khách hàng của Dat Bike, nhiều người liên tục phàn nàn về thời gian nhận thông báo thanh toán và nhận xe. 

Trong một thông báo gửi tới khách hàng mới đây, Dat Bike cho biết chỉ trong 2 tháng ra mắt Quantum, công ty nhận được lượng đơn hàng gần bằng cả một năm hoạt động gần đây. Startup này thừa nhận mặc dù đã lên các kế hoạch dự đoán và sản xuất, việc khách hàng phải chờ nhận xe vẫn là một thiếu sót cần nhận lỗi. Công ty cho biết hiện đang hoạt động hết công suất để sớm giao xe đến khách.

Ngoài ra, mức độ hoàn thiện của xe cũng là vấn đề Dat Bike phải đối mặt. Hãng xe này thừa nhận sản phẩm mới còn thiếu sót, đồng thời liên tục cập nhật, cải tiến, ví dụ như hiện tượng màn hình LCD bị sọc, cạ phanh kêu, xe tắt máy khi pin chưa về 0 tại một số sản phẩm,…

"Dat Bike thừa nhận quy trình bán hàng cũng như sản phẩm còn nhiều điểm cần cải thiện để giúp khách hàng có trải nghiệm mượt mà hơn. Lý do cho sự không hoàn hảo này là do Dat Bike đang làm những thứ hoàn toàn mới và cần cân bằng cả một hệ thống hỗ trợ (nhà cung cấp, nhà máy, nhân sự…) để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và bắt kịp tốc độ tăng trưởng của công", thông báo nói. 

Trong 2 năm 2021 và 2022, Dat Bike đều tăng trưởng gấp 10 lần mỗi năm và vẫn tiếp tục đặt mục tiêu mỗi năm tăng trưởng 10 lần.

“Dat Bike đã tham gia Shark Tank, và sau 3 năm chinh chiến thì vị “cá mập” lớn nhất chúng tôi biết mình cần chinh phục là khách hàng. Chúng tôi đề mục tiêu doanh số sẽ tăng 10 lần mỗi năm, nhìn từ những gì Dat Bike đã đạt được”, anh Cảnh Sơn - Founder Dat Bike từng chia sẻ tại buổi ra mắt dòng xe mới Weaver++ năm 2022.

Ngọc Diệp

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT