SHS, VNDirect và loạt công ty chứng khoán lao đao vì tự doanh bết bát

SHS, VNDirect, Chứng khoán KIS hay Chứng khoán Everest là những công ty kinh doanh sa sút với nguyên nhân chính bị ảnh hưởng bởi mảng tự doanh. Điểm chung của các công ty này là đều "ôm" lượng lớn cổ phiếu.

Trong quý III/2024, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (mã VND) ghi nhận 678 tỷ đồng doanh thu từ mảng tự doanh, giảm 27% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất từ các tài sản như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp giảm.

Dù lỗ từ FVTPL giảm 8% xuống dưới 260 tỷ đồng, với chi phí không thay đổi nhiều ở mức hơn 9 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận từ mảng tự doanh của VNDirect vẫn giảm 36% so với cùng kỳ, còn 409 tỷ đồng.

Tính đến cuối kỳ, VNDirect có 56% tài sản là danh mục tự doanh FVTPL với 24.437 tỷ đồng, tăng 47% tương đương 7.707 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, 13.129 tỷ đồng trái phiếu, 7.949 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi.

SHS, VNDirect và loạt công ty chứng khoán lao đao vì tự doanh bết bát- Ảnh 1.

Danh mục tài sản chính FVTPL của VND tại ngày 30/9/2024

Giá trị cổ phiếu đầu tư có giá trị hơn 3.300 tỷ đồng, các mã chiếm tỷ trọng lớn nhất có VPB giá gốc hơn 448 tỷ đồng, đang lỗ 2%; HSG đầu tư 379 tỷ đồng, tạm lãi 16%; C4G 285 tỷ đồng, tạm lỗ 11%; LTG 115 tỷ đồng, tạm lỗ 55%…

Thất thu tự doanh cùng với môi giới và cho vay suy yếu khiến lãi ròng quý III/2024 của VNDirect đạt 505 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Gây thất vọng nhất trong quý vừa qua có lẽ là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) với lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi phần lỗ FVTPL gần 107 tỷ đồng và chi phí 5,5 tỷ đồng, mảng tự doanh của SHS lỗ thuần hơn 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 43 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9/2024, quy mô tài sản FVTPL của SHS đã tăng thêm 1.850 tỷ đồng so với đầu năm, đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, nhờ tăng tỷ trọng vào cổ phiếu niêm yết, trái phiếu niêm yết và công cụ thị trường tiền tệ.

SHS, VNDirect và loạt công ty chứng khoán lao đao vì tự doanh bết bát- Ảnh 2.

Danh mục cổ phiếu của SHS tại cuối quý III/2024

Cụ thể, danh mục cổ phiếu niêm yết giá gốc mua vào hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 560 tỷ đồng về quy mô so với đầu năm và tạm lãi 5%. Trong đó, 4 mã có tỷ trọng lớn nhất là cổ phiếu VPB giá gốc gần 350 tỷ đồng (tạm lỗ 11%); FRT (201 tỷ đồng, tạm lãi 111%); MWG (141 tỷ đồng, tạm lãi 28%) và FPT (78 tỷ đồng, tạm lãi 72%).

Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) có giá mua 475 tỷ đồng, tương đương đầu năm, trong đó nắm giữ SHB hơn 275 tỷ đồng (tạm lãi 114%) và TCD (giá gốc 200 tỷ đồng, tạm lỗ 65%).

Một cái tên khác là CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam ghi nhận lãi từ tài sản tài chính FVTPL gần 293 tỷ đồng, nhưng giảm 38% so với cùng kỳ. Trừ đi lỗ tài sản tài chính FVTPL hơn 250 tỷ đồng, lợi nhuận thuần mảng tự doanh đạt 41 tỷ đồng, thấp hơn mức gần 60 tỷ đồng của cùng kỳ.

Mảng tự doanh thất thu cũng là điều dễ hiểu khi 62% tài sản của Chứng khoán KIS là giá trị các khoản cho vay.

Tại ngày 30/9/2024, tài sản FVTPL ghi nhận giá gốc 1.661 tỷ đồng, tăng 59% sau 9 tháng và đang tạm lãi khoảng 34 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu niêm yết có giá gốc 619 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ 509 tỷ đồng, trái phiếu niêm yết gần 308 tỷ đồng; các khoản này đều đang có lãi. Còn lại, cổ phiếu chưa niêm yết và chứng quyền đang tạm lỗ.

Tự doanh bết bát còn là nguyên nhân chính khiến Chứng khoán Everest (mã: EVS) lỗ ròng 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng 58 tỷ đồng.

Cụ thể, lãi từ tài sản tài chính FVTPL trong kỳ chỉ đạt 23 tỷ đồng, giảm đến 81% trong khi lỗ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 54% lên hơn 40 tỷ đồng. Qua đó, Chứng khoán Everest lỗ thuần mảng tự doanh gần 18 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 93 tỷ đồng.

Quy mô tài sản tài chính FVTPL của EVS hơn 1.053 tỷ đồng, giảm mạnh 35% so với đầu năm và đang tạm lỗ 2,3%.

Trong đó, gần 324 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết tạm lỗ 50 tỷ đồng, gần 117 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết đang tạm lỗ gần 1 tỷ đồng và gần 613 tỷ đồng chứng khoán khác đang tạm lỗ 24 tỷ đồng. Công ty không thuyết minh chi tiết các loại cổ phiếu đang đầu tư.

Cũng nằm trong nhóm thua lỗ vì tự doanh, CTCP Chứng khoán Asean báo lỗ trước thuế 17 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do một số mã cổ phiếu giảm giá khiến mảng tự doanh của công ty lỗ thuần gần 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm nay vẫn tích cực hơn cùng kỳ khi công ty này vẫn lãi trước thuế 53 tỷ, gấp gần 9 lần cùng kỳ năm 2023.

Thậm chí, CTCP Chứng khoán APG (mã: APG, sàn HoSE) gây sốc với khoản lỗ ròng đến 148 tỷ đồng, gần bằng mức lỗ lịch sử thiết lập ở quý IV/2022. Nguyên nhân chính là do chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng đột biến lên mức 160 tỷ đồng.

Khoản lỗ trong quý III đã hoàn toàn xóa sạch thành quả đạt được trong nửa đầu năm, khiến APG chịu lỗ lũy kế hơn 98 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024. Cùng kỳ năm trước, công ty lãi ròng gần 403 tỷ đồng.

Danh mục tài sản tài chính FVTPL của APG chủ yếu là cổ phiếu niêm yết có giá trị hợp lý hơn 503 tỷ đồng, tạm lỗ 143 tỷ đồng. Công ty không công bố danh mục cổ phiếu niêm yết kỳ này.

Hà Ly

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT