Siba Group muốn đầu tư điện rác, tiết lộ lý do thoái vốn tại mảng điện mặt trời
Tương lai, Siba Group cũng muốn đầu tư vào mảng điện rác. Đây là mảng tiềm năng trong tương lai khi 80-90% rác Việt Nam đang phân huỷ theo hình thức chôn, ảnh hưởng đến môi trường.
CTCP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba (Siba Group, mã chứng khoán SBG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, thông qua kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng - tăng 3,77% và lợi nhuận sau thuế dự kiến lãi 40 tỷ đồng - tăng 25% so với thực hiện trong năm 2023.
Về chiến lược kinh doanh trong năm 2024, cụ thể:
+ Đối với lĩnh vực gia công cơ khí, xây lắp – cho thuê, Công ty sẽ xây dựng chiến lược kinh doanh sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, Công ty sẽ xây dựng và phát triển các dòng sản phẩm theo định hướng 5S gồm xây dựng Sibacons, thiết bị nông nghiệp Sibagri, nội thất và gia dụng Sibaf&r, năng lượng và môi trường Sibaeco, và dịch vụ.
+ Đối với lĩnh vực năng lượng, Siba cho biết điện áp mái sẽ tiếp tục khai thác tại Công ty TNHH MTV Năng lượng sạch Vmeco Bạc Liêu và tái cấu trúc (thoái vốn/giải thể) Công ty TNHH MTV Năng lượng sạch Vmeco Đồng Tháp. Công ty sẽ triển khai thoả thuận mua tấm pin mặt trời với công suất 100MW trong vòng 3 năm từ năm 2024 đến năm 2026 với CTCP Eiki Shoji (Nhật Bản).
+ Đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại nông sản chiếm trên 80% tổng doanh thu, Công ty tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Siba sẽ cân nhắc giảm dần trong giai đoạn 2022-2030 để tập trung tối đa nguồn lực cho mảng cơ khí, mảng năng lượng tái tạo.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Siba trình cổ đông không trả cổ tức trong năm 2023.
Ngoài ra về tái cấu trúc, Siba cũng trình cổ đông kế hoạch thoái vốn đầu tư tại CTCP Đầu tư Xây dựng Sibacons; và thoái vốn đầu tư/giải thể Công ty TNHH MTV Năng lượng sạch Vmeco Đồng Tháp.
Về nhân sự, Siba trình cổ đông miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát đối với bà Lê Thị Xuân Đức, người đã nộp đơn xin từ nhiệm từ ngày 14/3/2024 và đồng thời dự kiến bầu bổ sung 1 thành viên mới.
Sẽ chào bán 11,5 triệu cổ phiếu trong quý 2 - 3/2024
Đáng chú ý là kế hoạch huy động vốn, trước đó ngày 29/3, Siba đã thông qua hồ sơ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 46%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 46 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cp.
Như vậy, Siba sẽ chào bán thêm 11,5 triệu cổ phiếu để huy động 115 tỷ đồng. Số tiền huy động, Công ty sẽ dùng toàn bộ 115 tỷ đồng để thanh toán công nợ phải trả cho nhà cung cấp, thời gian thực hiện trong quý 2 - 3/2024.
Ngoài ra, Siba cũng thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu với tổng tỷ lệ 54%, tương ứng phát hành thêm 13,5 triệu cổ phiếu và dự kiến triển khai trong quý 2 - 3/2024. Trong đó, trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 22% và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 32%.
Như vậy, nếu phát hành thành công 3 đợt tăng vốn, vốn điều lệ sẽ tăng từ 250 tỷ đồng, lên 500 tỷ đồng.
Ngày 1/12/2023, 25 triệu cổ phiếu SBG đã niêm yết trên sàn HoSE với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp, tương ứng vốn hoá 375 tỷ đồng.
Thảo luận tại Đại hội
1. Việc thoái vốn tại mảng điện mặt trời và xây dựng là không phát triển mảng này nữa, hay có mục đích nào khác không?
Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Đức: Trước kia theo quy định của Chính phủ thì phải có từng pháp nhân riêng cho từng dự án. Hiện, Siba Group có 2 công ty con hoạt động trong mảng năng lượng sạch ở Bạc Liêu và Đồng Tháp. Theo kế hoạch, 3 năm tới Siba dự kiến phát triển 300MW điện và tiến hành bán điện trực tiếp cho trang trại để tạo doanh thu.
Theo quy định mới, chúng ta không cần lập pháp danh riêng cho từng dự án nữa nên Siba sẽ đưa về một công ty con năng lượng ở Bạc Liêu để quản lý mảng này, chứ không phải không phát triển.
2. Ban lãnh đạo đánh giá ra sao về khả năng cạnh tranh của Công ty, đặc biệt ở mảng cơ khí công nghiệp?
Ông Đức: Chiến lược của Siba là đa ngành nghề với 5 nhóm chính, trong đó mảng nông nghiệp là cốt lõi. Về năng lực cạnh tranh của Công ty, trước hết Siba đã đầu tư về hạ tầng cũng như áp dụng công nghệ trong vận hành.
Song song, Công ty cũng đầu tư nhân lực, đội ngũ kỹ sư am hiểu về việc nuôi heo… từ đó hiểu sâu và xây được hệ thống ao chuồng lạnh. Đây chính là vượt trội của Siba so với đối thủ hiện nay.
3. Tiến độ hợp tác với Tập đoàn Nhật bản?
Ông Đức: Như các bạn đã biết, vừa rồi Siba đã ký MOU cung cấp giải pháp về thiết kế, thiết bị từ Tập đoàn năng lượng Nhật Bản để đầu tư điện trên mái công suất 100MW trong 3 năm. Siba cũng nhìn nhận năng lượng là mảng có cơ hội tốt trong tương lai, và Siba đã được cấp phép xây dựng năng lượng tái tạo để cung cấp cho nhà máy mà không thông qua hệ thống điện chung của quốc gia. Trong đó, đối tác Tập đoàn lớn của Nhật chuyên truyền tải điện, sẽ hỗ trợ Siba trong việc truyền tải điện và bán điện.
4. Tại sao lập Công ty công nghệ cao Siba?
Ông Trương Sỹ Bá: Chúng ta đã biết Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, và dự đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài lớn vào trong tương lai. Một làn sóng khác là chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc cũng như các nước châu Á đến Việt Nam.
Như vậy, bức tranh trong tương lai thì đầu tư của Việt Nam rất lớn, chưa kể nội lực cũng đang cải thiện. Trong khi, ngành cơ khí, công nghiệp phụ trợ chất lượng cao của chúng ta còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Và Siba Group đầu tư vào cơ khí, phụ trợ công nghệ cao để đón đầu nhu cầu đó.
Siba nằm trong hệ sinh thái Tân Long với hai sản phẩm chính là gạo và chăn nuôi, và bước đầu sẽ hỗ trợ Tập đoàn từ R&D, kỹ thuật… trước khi đia ra bên ngoài. Và thời gian qua Siba hỗ trợ Tân Long rất nhiều, như tự cung ứng được 85% mảng chăn nuôi (trong khi trước kia phải nhập khẩu nhiều) nhờ hệ thống chuồng trại công nghệ cao. Hay tại mảng gạo, Siba giúp xây dựng nền tảng lưu trữ, sấy công nghệ cao.
Tương lai, Siba cũng muốn đầu tư vào mảng điện rác. Đây là mảng tiềm năng trong tương lai khi 80-90% rác Việt Nam đang phân huỷ theo hình thức chôn, ảnh hưởng đến môi trường.