'Siêu cổ đông' SCIC nhận thêm 3 công ty từ Bộ Công thương

Chiều 22/4, Bộ Công thương đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 3 Công ty cổ phần sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

'Siêu cổ đông' SCIC nhận thêm 3 công ty từ Bộ Công thương- Ảnh 1.

Cụ thể, các đơn vị thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước từ Bộ Công Thương về SCIC gồm Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI), Công ty cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt may (VTRI), Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp (CONEXIM).

Hiện tại, 3 công ty cổ phần có vốn điều lệ là 178 tỷ đồng (trong đó IMI: 65 tỷ đồng; CONEXIM: 63 tỷ đồng; VTRI: 50 tỷ đồng). Tổng số vốn nhà nước là 115,3 tỷ đồng, với tỷ lệ tương ứng ở các đơn vị là IMI 74,99%; CONEXIM: 60,17% và VTRI 57,45%.

Thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo Kết luận số 104/TB - VPCP ngày 27/7/2024 về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ Công Thương về SCIC, Bộ Công Thương và SCIC cùng các công ty cổ phần đã phối hợp chặt chẽ, tích cực trao đổi, thống nhất để hoàn tất các hồ sơ, thủ tục cần thiết theo đúng quy định của pháp luật cho việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại 3 công ty cổ phần.

Bộ Công Thương cũng đã có các văn bản để SCIC nghiên cứu, xem xét hồ sơ của doanh nghiệp, phối hợp và thống nhất với Bộ Công Thương về nội dung chuyển giao theo quy định.

"Đến nay, các số liệu tại hồ sơ bàn giao đã được bộ phận chuyên môn của các bên thống nhất, các công việc liên quan giữa Bộ Công Thương và SCIC đã được làm rõ trên tinh thần đảm bảo thực hiện chuyển giao, đồng thời, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành", Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng thông tin tại lễ chuyển giao.

'Siêu cổ đông' SCIC nhận thêm 3 công ty từ Bộ Công thương- Ảnh 2.

Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Chí Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC thông tin, từ năm 2007 đến năm 2024, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với SCIC để hoàn thiện các thủ tục chuyển giao tổng cộng 76 doanh nghiệp, với tổng số vốn nhà nước tiếp nhận đạt 14.230 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 23.994 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, SCIC đã chủ động tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời thực hiện công tác thoái vốn đúng theo chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước. Tính đến thời điểm hiện tại, SCIC đã hoàn tất việc thoái vốn tại 67 doanh nghiệp, còn lại 9 doanh nghiệp đang trong quá trình tiếp tục quản lý.

SCIC đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để thực hiện chuyển giao 6 doanh nghiệp còn lại. Trong đó, 3 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 3 doanh nghiệp còn lại bao gồm Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp (MIE), và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đang được đề xuất chuyển giao.

"Trong thời gian tới, SCIC mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ từ Bộ Công Thương để xử lý dứt điểm các tồn tại tại một số doanh nghiệp sau chuyển giao như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành thép và một số trường hợp khác, đồng thời hoàn thiện hồ sơ và thủ tục tiếp nhận 6 doanh nghiệp từ Bộ Công Thương theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước", ông Nguyễn Chí Thành phát biểu.

Số liệu tổng kết của SCIC cho thấy, năm 2024 SCIC đã đạt lợi nhuận trước thuế ước đạt 11.140 tỷ đồng, bằng 166% kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 11.117 tỷ đồng, bằng 167% kế hoạch năm.

Tính đến 31/12/2024, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 110 doanh nghiệp với tổng vốn của SCIC theo giá trị sổ sách là 53.401 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 183.157 tỷ đồng. Giá trị thị trường đạt xấp xỉ 8 tỷ USD.

Phan Trang

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT