'Siêu dự án' đường sắt cao tốc Bắc Nam 'chốt' khởi công sớm 1 năm
Chính phủ đặt mục tiêu khởi công dự án trên trong năm 2026 thay vì năm 2027 như yêu cầu của Quốc hội.

Ảnh minh họa
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 23/4 về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội liên quan chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Nghị quyết nêu rõ, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan, tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt dự án; tổ chức triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu; khởi công xây dựng trước ngày 31/12/2026.
Như vậy, Chính phủ đặt mục tiêu khởi công dự án trên trong năm 2026 thay vì năm 2027 như yêu cầu của Quốc hội.
Để khởi công sớm, Chính phủ giao các bộ, ngành trình Thủ tướng Báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 8-2026.
Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong tháng 9-2026.
Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng bởi dự án, cơ bản hoàn thành trước tháng 12/2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo kế hoạch, hạn chót đến ngày 30/6/2025, nhiều nhiệm vụ then chốt phải được hoàn tất. Vì vậy cần ban hành 3 nghị định của Chính phủ áp dụng đối với các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt:
Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp: Liên quan đến việc giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ, hàng hóa thuộc công nghiệp đường sắt.
Nghị định hướng dẫn phát triển khoa học, công nghệ trong ngành đường sắt: Trong đó, nêu rõ quy định chi tiết về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ các dự án đường sắt.
Cuối cùng là Nghị định hướng dẫn sử dụng tạm thời rừng để thi công công trình tạm: Bao gồm quy định về việc hoàn trả rừng sau khi thi công các dự án đường sắt.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành Quyết định của Thủ tướng về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp trong nước thực hiện.

Ảnh minh họa
Ngoài các văn bản pháp lý nêu trên, kế hoạch triển khai còn bao gồm việc xây dựng hai chương trình hành động lớn của Chính phủ: Chương trình hành động về phát triển công nghiệp đường sắt, do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án và Chương trình hành động về phát triển nguồn nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao, do Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp thực hiện.
Theo Bộ Xây dựng, những văn bản, đề án và chương trình này được kỳ vọng sẽ đặt nền móng pháp lý và định hướng chiến lược để triển khai hiệu quả Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Quốc hội khóa XV thông qua, có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD).
Phan Trang