Siêu dự án khai thác 'kho báu' 2,3 tỷ USD của Hoá chất Đức Giang (DGC) có thể nhận giấy phép đầu tư trong năm nay

Hồi giữa năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho Hoá chất Đức Giang (DGC) nghiên cứu, khảo sát vị trí mỏ bauxite tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song, đặt nhà máy chế biến alumin tại huyện Đắk Song.

Siêu dự án khai thác 'kho báu' 2,3 tỷ USD của Hoá chất Đức Giang (DGC) có thể nhận giấy phép đầu tư trong năm nay- Ảnh 1.

Theo báo báo cập nhật mới đây của Chứng khoán KB (KBSV) ban lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu: DGC) cho biết tập đoàn hiện tự tin về việc nhà máy Xút Chất dẻo Nghi Sơn tại Khu công nghiệp Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) sẽ được khởi công trong tháng 6/2024.

Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Hoá chất Đức Giang thâm nhập lĩnh vực kinh doanh xút đầy tiềm năng và đồng thời cũng là bước chuẩn bị cho tập đoàn hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất với đại dự án Bauxite - Nhôm tại tỉnh Đắk Nông trong dài hạn.

KBSC điều chỉnh hạ dự phóng doanh thu đóng góp từ dự án trong năm 2025 từ 670 tỷ đồng xuống 600 tỷ đồng với giả định dự án hoàn thành trong đầu quý 3/2025 và đạt công suất tối đa trong quý 4/2025. Trong năm 2026, CTCK kỳ vọng dự án sẽ đóng góp khoảng 2,400 tỷ đồng doanh thu và 480 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tương đương15.2% tổng doanh thu và 12.7% tổng lợi nhuận gộp của DGC. Dự kiến công ty sẽ không cần huy động nợ vay mà sẽ sử dụng lượng tiền mặt có sẵn để tài trợ cho dự án (Dự báo sẽ giải ngân 500 tỷ đồng trong năm 2024 và 1.400 tỷ đồng trong năm 2025).

Tổng mức đầu tư của dự án này dự kiến ở mức 12.000 tỷ đồng; trong đó, mức đầu tư cho giai đoạn 1 là 10.000 tỷ đồng. Qua đó, trở thành dự án có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Hoá chất Đức Giang. Sản phẩm chính của dự án này gồm xút (NaOH), nhựa PVC, axit HCL, chất xử lý nước PAC…

Siêu dự án khai thác 'kho báu' 2,3 tỷ USD của Hoá chất Đức Giang (DGC) có thể nhận giấy phép đầu tư trong năm nay- Ảnh 2.

Dự án nhà máy Xút Chất dẻo Nghi Sơn có thể là con "át chủ bài" mới của Hóa chất Đức Giang.

Còn về tiềm năng triển khai dự án Bauxite - Nhôm tại tỉnh Đắk Nông, theo KBSC, Hóa chất Đức Giang hiện đã nằm trong danh sách ứng viên tiềm năng và đang chờ chỉ đạo của Chính phủ về việc ban hành cơ chế đặc thù cho dự án.

KBSV hiện nhận định, Hoá chất Đức Giang sẽ sớm được kí kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đắk Nông, hướng tới việc nhận giấy phép đầu tư trong năm 2024 và có thể khởi công xây dựng dự án ngay trong năm 2025. Tuy nhiên, thời gian xây dựng dự án có thể lên tới từ 3 - 4 năm trước khi đóng góp vào kết quả kinh doanh của tập đoàn này.

Trước đó, hồi giữa năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho Hoá chất Đức Giang nghiên cứu, khảo sát vị trí mỏ bauxite tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song, đặt nhà máy chế biến alumin tại huyện Đắk Song.

Quy mô khai thác dự án này dự kiến khoảng 14,4 triệu tấn quặng bauxit/năm, và 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả hai giai đoạn là 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Ước tính dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Đắk Nông hàng năm khi đi vào hoạt động.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 7/2023, quy hoạch khai thác bauxite tối đa là 118 triệu tấn nguyên liệu/năm.

Quy hoạch cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2021 - 2030, việc thăm dò, khai thác bauxite phải gắn với chế biến sâu (ít nhất là với sản phẩm nhôm). Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thăm dò, khai thác phải có năng lực thực hiện dự án từ thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại và bảo vệ môi trường.

Siêu dự án khai thác 'kho báu' 2,3 tỷ USD của Hoá chất Đức Giang (DGC) có thể nhận giấy phép đầu tư trong năm nay- Ảnh 3.

Một phần dự án Bauxit nhôm tại Đăk Nông.

Trong báo cáo phân tích, KBSV còn duy trì quan điểm rằng nhu cầu tiêu thụ thiết bị bán dẫn toàn cầu đã chạm đáy trong giai đoạn quý 2/2023 và sẽ có dư địa hồi phục trong năm 2024 từ mức nền thấp. 

World Semiconductor Trade Statistics (WSTS) và Gartner dự báo mức tăng trưởng ngành bán dẫn toàn cầu trong năm 2024 đạt lần lượt 13,1% và 16,8%. WSTS cho rằng mảng chip nhớ sẽ là động lực chính cho toàn ngành bán dẫn với việc có thể ghi nhận tăng trưởng ở mức 44,8% so với cùng kỳ

KBSV cũng kỳ vọng động thái nới lỏng chính sách của FED trong nửa cuối 2024 có thể sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ bán dẫn hồi phục đáng kể, giúp cải thiện giá phốt pho vàng và TPA. Tuy nhiên, CTCK này nhận thấy rủi ro chính cho triển vọng ngành bán dẫn toàn cầu sẽ là tình hình kinh tế của Trung Quốc. Trong trường hợp kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong năm 2024, doanh thu bán dẫn toàn cầu sẽ bị tác động tiêu cực, tạo áp lực lên giá phốt pho vàng và TPA, từ đó ảnh hưởng xấu tới KQKD của Hóa chất Đức Giang.

Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT