'Siêu dự án' Vành đai 4 dự kiến khởi công năm 2026: Tỉnh giàu nhất nước sẽ chi 12.000 tỷ đồng cho đoạn đường qua địa bàn
Đây là công trình giao thông lớn nhất phía Nam, giúp kết nối các cao tốc, quốc lộ, sân bay và tạo ra một trục giao thông chiến lược, thúc đẩy phát triển cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phối cảnh Vành đai 4 TP.HCM. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM
Ngày 18/4, tại kỳ họp của HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua chủ trương đầu tư cho dự án giao thông trọng điểm Vành đai 4 TP.HCM.
Dự án Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài lên đến 207 km, đi qua 5 tỉnh thành, gồm TP.HCM (gần 20 km), Bình Dương (47,95 km), Đồng Nai (46,08 km), Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23 km) và Long An (74,5 km).
Tuyến đường được thiết kế mặt cắt ngang rộng 74,5m, gồm 8 làn cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên (giai đoạn 1 sẽ triển khai trước 4 làn cao tốc). Các địa phương TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn.
Ngoại trừ đoạn qua Bình Dương sẽ được địa phương triển khai độc lập, phần còn lại của Vành đai 4 dài gần 160 km sẽ được gộp thành một dự án tổng thể, trình Quốc hội xem xét và thông qua chủ trương đầu tư trong tháng 5 tới.
Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) của dự án khoảng 120.412,55 tỷ đồng (không bao gồm đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương).
Trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 29.576 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương hơn 40.000 tỷ đồng và nguồn vốn kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT) 50.632 tỷ đồng.
HĐND TP.HCM đã thống nhất chủ trương đầu tư Vành đai 4, đảm bảo gần 12.000 tỉ đồng từ ngân sách thành phố để tham gia vào dự án, làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Khi được phê duyệt, dự án Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bình Dương dự kiến sẽ khởi công trong năm nay, trong khi các đoạn qua TPHCM và các địa phương còn lại sẽ bắt đầu thi công vào năm 2026.
Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2029, là công trình giao thông lớn nhất phía Nam. Việc đầu tư Vành đai 4 sẽ giúp hình thành hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên và kết nối với Campuchia.
Phan Trang