Siêu trung tâm R&D 1,4 tỷ USD của Huawei: Diện tích lên tới 160 ha, 30.000 người sẽ đến làm việc, là tổ hợp phòng thí nghiệm, văn phòng, khu giải trí

Lianqiu Lake của Huawei đóng vai trò như một trung tâm R&D toàn cầu và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm nay.

Huawei Technologies vừa xây dựng xong trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) tại Thượng Hải. Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Nhậm Chính Phi kỳ vọng các nhà khoa học nước ngoài sẽ bị thu hút bởi công trình đồ sộ này, trong bối cảnh Huawei ngày càng muốn khẳng định vị thế.

Tọa lạc tại Jinze, một thị trấn thuộc quận Qingpu của Thượng Hải, Huawei đặt tên cho cơ sở mới của mình là Lianqiu Lake R&D Centre, theo một thông báo trên trang web của chính quyền thành phố. Khuôn viên chia thành 8 khu vực với 104 tòa nhà - tạo thành một tổ hợp phòng thí nghiệm, văn phòng và khu giải trí được kết nối thông qua hệ thống đường sắt nội bộ. Nhật báo Jiefang đưa tin hồi tuần trước rằng, trong khi một số dự án xây cầu và phủ xanh vẫn đang được hoàn thiện thì việc phát triển biển báo, đường xá và dịch vụ xe lửa cho khuôn viên Lianqiu Lake đã được hoàn thành.

Yang Xiaojing, người đứng đầu quận Qingpu, cho biết trong cuộc họp báo chính phủ vào tháng 1 rằng khoảng 30.000 nhân viên R&D dự kiến sẽ chuyển đến cơ sở mới này để làm việc trong lĩnh vực chất bán dẫn, mạng không dây và Internet vạn vật.

Với diện tích lên tới 160 ha, Lianqiu Lake của Huawei sẽ đóng vai trò như một trung tâm R&D toàn cầu và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm nay. Dự án bắt đầu tháng 9/2021 và mất hơn 3 năm hoàn thành. Theo nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, khu phức hợp Chicago Lakeside chính là nguồn cảm hứng cho các kỹ sư thiết kế. 

Siêu trung tâm R&D 1,4 tỷ USD của Huawei: Diện tích lên tới 160 ha, 30.000 người sẽ đến làm việc, là tổ hợp phòng thí nghiệm, văn phòng, khu giải trí- Ảnh 1.

Lianqiu Lake của Huawei sẽ đóng vai trò như một trung tâm R&D toàn cầu và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm nay.

“Chúng tôi mong muốn tạo ra một bầu không khí phù hợp cho các nhà khoa học nước ngoài làm việc và sinh sống”, Ren nói với các nhân viên trong một cuộc họp nội bộ vào năm 2021.

Theo báo cáo thường niên của công ty, năm ngoái, Huawei đã đầu tư 23% tổng doanh thu – tương đương 164,7 tỷ nhân dân tệ – vào nhiều sáng kiến R&D khác nhau. Khoảng 114.000 nhân viên, tương đương 55% lực lượng lao động của Huawei, đã tham gia vào các hoạt động này.

Huawei hy vọng sẽ có thể phá vỡ sự thống trị của các hệ điều hành di động phương Tây tại Trung Quốc đại lục khi phát hành hệ điều hành HarmonyOS Next. Trong quý đầu tiên, hãng này đã đánh bại Samsung Electronics để trở thành thương hiệu điện thoại thông minh màn hình gập bán chạy nhất thế giới, trong bối cảnh đang bị Phương Tây cấm vận về công nghệ. Số liệu của hãng tư vấn Counterpoint cho thấy doanh số điện thoại màn hình gập của Huawei trong 3 tháng đầu năm tăng 257% so với cùng kỳ năm trước.

“Trước tiên, chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ để xây dựng hệ sinh thái ứng dụng HarmonyOS tại thị trường Trung Quốc. Sau đó, từ quốc gia này sang quốc gia khác, chúng tôi bắt đầu mở rộng hệ sinh thái sang các khu vực khác trên thế giới”, Chủ tịch luân phiên của Huawei, Erik Xu, nói.

Siêu trung tâm R&D 1,4 tỷ USD của Huawei: Diện tích lên tới 160 ha, 30.000 người sẽ đến làm việc, là tổ hợp phòng thí nghiệm, văn phòng, khu giải trí- Ảnh 2.

Hỗ trợ nhà nước dành cho Huawei đã đạt đến độ ‘chưa từng có’

Theo các chuyên gia, hỗ trợ nhà nước dành cho Huawei đã đạt đến độ ‘chưa từng có’. Một mạng lưới các doanh nghiệp nhận vốn từ quỹ đầu tư chính phủ hiện đang tập trung giúp Huawei xây dựng mạng lưới chip tự cung ứng. Nhóm này bao gồm rất nhiều các chuyên gia quang học, nhà phát triển thiết bị chip và nhà sản xuất hóa chất. Kế hoạch nằm trong nỗ lực trị giá 30 tỷ USD nhằm giúp Huawei xây dựng thêm các cơ sở chế tạo chip.

“Huawei hiện là trung tâm. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã thúc đẩy Trung Quốc và ngành công nghiệp xích lại gần nhau theo cách mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”, Kendra Schaefer, đối tác của công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.

Chiếc điện thoại thông minh Mate 60 Pro được cho là sản phẩm thể hiện sâu sắc nhất sự gắn kết giữa giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc khi phần lớn các linh kiện tiên tiến đều được sản xuất tại đại lục, đặc biệt là bộ xử lý 7 nanomet của SMIC. Trung tâm của mạng lưới các doanh nghiệp nhà nước đang hỗ trợ Huawei nằm ở quỹ đầu tư Thâm Quyến, nơi Huawei đặt trụ sở chính. Tập đoàn Đầu tư Công nghiệp Lớn Thâm Quyến (SMIIG) đã được thành lập vào năm 2019 nhằm hỗ trợ nỗ lực sản xuất chip của Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng.

Được biết, Huawei đang tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển sau khi chịu hàng loạt lệnh cấm của Mỹ. Hãng cũng nỗ lực thu hút nhân tài hàng đầu thông qua các gói lương thưởng cạnh tranh để chiêu mộ kỹ sư Mỹ hoặc khuyến khích người Trung Quốc quay trở về quê hương cống hiến.

Theo: SCMP, WSJ

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT