Sinh viên cơ khí Việt Nam 'cứu nguy' cho Nhật Bản: Thanh niên trong nước chê ngành học ‘không sạch sẽ’, 82 triệu phương tiện chờ người Việt tới chăm sóc
Thanh niên châu Á đổ xô đến Nhật Bản học cơ khí.
Thanh niên từ các nước đang phát triển tại châu Á đang đổ xô đến Nhật Bản. Họ đăng ký vào các trường cao đẳng kỹ thuật cơ khí ô tô với hy vọng lấp đầy được khoảng trống bên trong lực lượng lao động tại một quốc gia có tỷ lệ sinh giảm.
Trường học, do các nhà sản xuất ô tô như Toyota, Honda và Nissan điều hành hoặc hoạt động độc lập, đang chứng kiến các sự gia tăng các tân sinh viên nước ngoài, trong bối cảnh cả nước ngày càng cần những thợ cơ khí am hiểu máy tính và có thể sửa chữa ô tô công nghệ cao.
Tuy nhiên, giới trẻ Nhật Bản lại không mấy quan tâm đến điều này. Các chuyên gia lo ngại bằng cách nào, ngành công nghiệp hàng đầu quốc gia có thể duy trì vị thế nổi bật toàn cầu trong khi một bộ phận thanh niên tỏ ra rất thờ ơ. Yoshihiro Wakabayashi, giám đốc trường Cao đẳng Kỹ thuật Toyota ở Tokyo, cho biết: “Thật đáng buồn khi ngành công nghiệp ô tô rất hấp dẫn đối với người nước ngoài song lại không hấp dẫn lắm đối với người Nhật. Xây dựng và một số công việc liên quan đến sản xuất cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Tôi lo lắng rằng văn hóa sản xuất của Nhật Bản sẽ bị mất đi và điều này gây ra nhiều những tác động kinh tế”.
Theo Nikkei, bối cảnh càng làm tăng vai trò của các sinh viên nước ngoài đối với nền kinh tế Nhật Bản. Bộ Lao động cho biết số lượng lao động nước ngoài đã đạt 2 triệu người trong tháng 10, tăng 12% trong một năm. 27% trong số đó lựa chọn làm việc trong lĩnh vực sản xuất. Người Việt Nam chiếm 25%, tiếp đến là Trung Quốc và Philippines.
Được biết, chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích chương trình tuyển dụng người nước ngoài đầu quân cho ngành sửa chữa ô tô kể từ năm 2019 bằng cách cấp quyền cư trú với tư cách là “công nhân lành nghề được chỉ định”. Số lượng người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp sửa chữa ô tô đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua lên khoảng 4.800 người.
Yoshie Motohiro, chủ tịch Trường Cao đẳng Kỹ thuật Ô tô Nissan, cho biết các trường cao đẳng kỹ thuật cơ khí ô tô đã nhận thấy “nhu cầu đặc biệt” từ sinh viên quốc tế kể từ khi các hạn chế nhập cảnh vào Nhật Bản được nới lỏng. Theo Bộ Giao thông vận tải, trước đại dịch, số lượng tuyển sinh nước ngoài tại các trường sửa chữa ô tô Nhật Bản đã tăng gấp 5 lần từ năm 2016 đến năm 2021. 360 sinh viên quốc tế đã theo học tại 5 ngôi trường cao đẳng kỹ thuật do Nissan điều hành trong năm 2024 - gấp 3 lần so với năm 2019. Hầu hết đều có ý định làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp nhận thêm nhiều sinh viên quốc tế. Chúng tôi cần tích cực tuyển dụng họ. Chỉ có họ mới có thể khắc phục tình trạng thiếu lao động này”, bà Yoshie Motohiro nói.
Theo dữ liệu từ hiệp hội, nhìn chung, Nhật Bản có khoảng 331.000 thợ cơ khí cho khoảng 82 triệu phương tiện trong năm 2022. Sinh viên đến từ Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số sinh viên quốc tế tại các trường đào tạo vào năm 2022, tiếp theo là Nepal.
Ayumi Nakajima, giám đốc điều hành của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Honda, cho biết số lượng người Nam Á học tại các trường cao đẳng kỹ thuật ngày càng nhiều trong 5 năm qua. Nhu cầu gia tăng do tỷ lệ sở hữu ô tô ngày càng nhiều.
“Trước đây, phần lớn sinh viên quốc tế đều tập trung ở Việt Nam. Một số ít đến từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhưng bây giờ, sinh viên các khu vực phía Nam châu Á như Nepal, Bangladesh và Sri Lanka cũng quan tâm”, Ayumi Nakajima nói.
Lahiru Madhushan, 30 tuổi, sinh viên năm thứ hai tại trường Nissan ở Yokohama, phía nam Tokyo, đến Nhật Bản cách đây 4 năm từ Sri Lanka với hy vọng trở thành một thợ cơ khí ô tô lành nghề.
“Tôi luôn yêu thích ô tô. 80% ô tô ở đất nước tôi là của Nhật Bản. Tôi đặc biệt yêu thích xe Nissan vì công ty của cha tôi sử dụng chúng rất nhiều. Tôi muốn làm việc ở Nhật Bản. Ở đây, người nước ngoài có thể làm thợ cơ khí giống như người Nhật”.
Sự nhiệt tình của những sinh viên như Madhushan trái ngược hoàn toàn với giới trẻ Nhật Bản - những người vô cùng thờ ơ đối với việc sửa chữa ô tô. Họ thích học đại học hơn thay vì lựa chọn làm những công việc chân tay “nguy hiểm và không mấy sạch sẽ”.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải hồi năm ngoái cho thấy số lượng các thanh niên muốn trở thành thợ sửa ô tô đang giảm dần do tỷ lệ sinh tiêu cực. Theo Bộ Lao động, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã giảm năm thứ tám liên tiếp vào năm 2023 xuống còn khoảng 758.000 - mức thấp nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu được lưu giữ vào năm 1899.
Trong khi đó, nhu cầu về cơ khí ô tô ngày càng tăng. Kỳ thi lấy bằng quốc gia về cơ khí tại Nhật Bản sẽ được cập nhật từ năm 2027, trong đó có các câu hỏi liên quan đến ô tô điện.
Nakajima của Honda cho biết: “Trước đây, động cơ ô tô có thể được sửa chữa bằng cách tháo rời các bộ phận và thay thế. Thế nhưng trong tương lai, bạn sẽ cần sử dụng các thiết bị đặc biệt như máy tính hoặc công cụ không dẫn điện để sửa”.
“Học sinh cần học cách xử lý những chiếc ô tô chạy điện”, Motohiro của Nissan nói.
Aryal Gunanidhi, 26 tuổi, người Nepal, vừa tốt nghiệp đại học Honda và hiện đang làm việc tại một trong những đại lý của hãng. Anh cho biết ước mơ của mình là 5 năm tới trở về quê hương và dạy người dân địa phương cách sửa chữa ô tô.
“Nepal không có hệ thống kiểm tra ô tô và các phương tiện được sửa chữa khá vô trách nhiệm. Tai nạn xảy ra thường xuyên do sự cố kỹ thuật như phanh không hoạt động bình thường trên núi. Tôi muốn thay đổi điều đó”, anh nói.
Theo: Nikkei