SJC báo lãi tăng 24%, Kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ

Năm 2023, SJC tiếp tục báo doanh thu hàng chục nghìn tỷ nhưng lãi 'hẻo' chỉ còn 61 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Đáng chú ý, kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ về khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 83,9 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC ghi nhận doanh thu thuần 28.408,3 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022. 

Tuy nhiên, do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu khiến lãi gộp của SJC giảm 3% so với năm trước đạt 241,6 tỷ đồng, tức biên lợi nhuận gộp chỉ ở mức 0,85%.

sjc-tiep-tuc-bao-lai-heo-nam-2023-kiem-toan-neu-y-kien-ngoai-tru-khoan-du-phong-giam-gia-hang-ton-kho-1715578962.PNG
Nguồn: SJC

Trong kỳ doanh thu tài chính tăng nhẹ lên gần 3,8 tỷ đồng, chủ yếu là phần cổ tức và lợi nhuận được chia. Đáng chú ý, SJC được hoàn nhập 10,6 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư trong khi cùng kỳ phải chi tới gần 40 tỷ đồng. Do đó, SJC thu về 12,6 tỷ đồng từ hoạt động tài chính trong năm 2023.

Mặt khác, chi phí bán hàng giảm 4% còn 53 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27% lên 115 tỷ đồng. Kết quả, SJC báo lãi ròng 61 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 24% so với năm 2022. Tính chung, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu thuần của SJC chỉ đạt 0,3%, cao hơn mức 0,18% năm 2022.

Có thể thấy kết quả kinh doanh năm 2023 của SJC tương tự như các năm trước khi đều báo doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng bị bào mòn bởi giá vốn và chi phí neo cao khiến lợi nhuận "teo tóp".

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản SJC ở mức ở 1.898,4 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2022. Trong đó, tiền và tương đương tiền chiếm 236 tỷ đồng, giảm gần 15%, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 12% còn 77,6 tỷ đồng. Riêng hàng tồn kho tăng 16% lên mức 1.363 tỷ đồng. 

Bên kia bảng cân đối tài chính, vốn chủ sở hữu của SJC tính đến cuối năm 2023 ở mức 1.578,4 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm 2022. Nợ ngắn hạn ở mức 320 tỷ đồng; trong đó, vay và nợ thuê tài chính tăng 48,5% lên hơn 150 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHN Kiểm toán và Tư vấn A&C nêu ý kiến ngoại trừ tại báo cáo này. Cụ thể, đơn vị kiểm toán cho biết không có cơ sở để xác định tính đúng đắn của khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 83,9 tỷ đồng (số liệu lũy kế tại thời điểm cuối năm 2022 là 25,9 tỷ đồng), số tiền hoàn nhập dự phòng trong năm 2023 là 10,7 tỷ đồng và số trích dự phòng bổ sung trong năm 2023 là 68,8 tỷ đồng. 

sjc-tiep-tuc-bao-lai-heo-nam-2023-kiem-toan-neu-y-kien-ngoai-tru-khoan-du-phong-giam-gia-hang-ton-kho-2-1715578962.PNG
Nguồn: SJC

Do vậy, công ty kiểm toán này cho biết không đủ cơ sở để xác định ảnh hưởng (nếu có) của vấn đề trên đến Bảng cân đối kế toán cũng như Báo cáo kết quả kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2023.

Trong báo cáo kế hoạch kinh doanh gửi UBND TP.HCM, Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn dự tính năm 2024 đạt doanh thu 30.145 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 92,7 tỷ đồng và 70,2 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời ròng theo đó chỉ đạt 0,23%.

Kế hoạch doanh thu năm nay giảm 270 tỷ đồng so với kế hoạch năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 14 tỷ đồng. Kế hoạch này được Ban lãnh đạo SJC đặt ra dựa trên mục tiêu sản lượng vàng miếng đạt 31.692 lượng và tiêu thụ 444.912 món nữ trang. Công ty dự tính năm nay sẽ nộp thuế khoảng 93,6 tỷ đồng.

Theo Ban lãnh đạo SJC, năm nay, công ty sẽ tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang, từ đó mở rộng thị trường kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, SJC cũng cho ra mắt những sản phẩm mới như đồ thủ công mỹ nghệ, đồng hồ, kính mắt và kết hợp với các công ty du lịch lữ hành áp dụng mô hình kinh doanh mới.

Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được thành lập năm 1988 theo Quyết định số 180/QĐ-UB của UBND TP.HCM. Năm 1989, SJC cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9, bao gồm loại miếng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng và 2 lượng, đã làm thay đổi việc thanh toán bằng vàng nhẫn, vàng lá cũ tại thị trường trong nước.

Đến nay, SJC vẫn là doanh nghiệp kinh doanh vàng duy nhất trên thị trường do nhà nước sở hữu 100% vốn. Tại BCTC năm 2023 ghi nhận SJC 5 công ty con, 4 công ty liên kết, 28 đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc. Mạng lưới kinh doanh phân phối của SJC gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, từ ngày 25/5/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (Công ty SJC) được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT